"Nước rút" hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách

Nhiều sắc thuế không đạt như kỳ vọng

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu NSNN đạt 54.000 tỷ đồng (thu hoạt động XNK 12.000 tỷ đồng, thu nội địa 42.000 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 9, tổng nguồn thu NSNN đạt 41.178 tỷ đồng, bằng 76% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản đầu năm, bằng 101% kịch bản điều chỉnh, bằng 105% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu từ hoạt động XNK đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 104% dự toán, bằng 143% kịch bản đầu năm, bằng 127% kịch bản điều chỉnh, bằng 110% so cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, thu nội địa mới đạt 28.678 tỷ đồng, bằng 68% dự toán, bằng 95% kịch bản đầu năm, bằng 92% kịch bản điều chỉnh, bằng 103% so cùng kỳ 2022.

Hoạt động sản xuất tại Cảng xăng dầu B12 (TP Hạ Long). Ảnh: Mạnh Trường
Cảng xăng dầu B12 (TP Hạ Long).

Theo đánh giá của cơ quan thuế, thu nội địa chưa đạt như kỳ vọng có nhiều lý do. Trong đó thu tiền sử dụng đất hiện đạt thấp với số thu đạt khoảng 3.027 tỷ đồng, bằng 40% dự toán, bằng 61% kịch bản đầu năm, bằng 61% kịch bản điều chỉnh, bằng 77% so cùng kỳ 2022. Nguyên nhân thu tiền sử dụng đất chưa đạt như kế hoạch là do thị trường bất động sản kém sôi động, khiến cho giá đất trên thị trường giao dịch giảm mạnh, không tổ chức đấu giá thành công; công tác thuê tư vấn thẩm định để thực hiện đấu giá, đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có duy nhất TP Móng Cái đạt tốc độ thu bình quân tiền sử dụng đất, còn lại 12/13 địa phương chưa đạt tốc độ thu bình quân. Một số địa phương có tỷ lệ thu thấp như: Đông Triều (18%), Ba Chẽ (9%), Vân Đồn (8%), Hải Hà (7%), Cẩm Phả (3%), Cô Tô (2%).

Cụ thể như tại địa bàn TX Đông Triều, từ đầu năm đến nay, do biến động của thị trường bất động sản đóng băng, nhiều khu dân cư tự xây nằm trong kế hoạch đấu giá thu tiền sử dụng đất mặc dù đã được thị xã đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thuận tiện cho người dân trong giao thương hàng hoá, gần khu trung tâm hành chính và các chợ, trường học nhưng khi tổ chức đấu giá gần như không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu.

Theo lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch TX Đông Triều: Do giá đấu thầu các khu đất được xây dựng tương đương với giá thị trường khiến cho nhà đầu tư không mặn mà. Do vậy, nhiều cuộc tổ chức đấu giá trên địa bàn thị xã đã không thành công, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu tiền sử dụng đất của địa phương. Hiện số thu tiền sử dụng đất mới đạt 65,5/330 tỷ đồng, bằng 32% so với cùng kỳ 2022.

Hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Ảnh: Mạnh Trường
Hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). 

Đặc biệt, đánh giá theo sắc thuế, khoản thu, hiện chỉ có 10/17 khoản thu đạt tốc độ thu bình quân (75%), gồm: Thu từ DNNN Trung ương quản lý (88%), thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý (85%), thuế thu nhập cá nhân (77%), thuế sử dụng đất nông nghiệp (300%), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (92%), các loại phí, lệ phí (75%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (112%), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (76%), thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế (101%), thu khác ngân sách (84%). Còn lại 7/17 khoản thu chưa đạt tốc độ thu bình quân (75%), gồm: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (63%), thu từ khu vực ngoài quốc doanh (61%), lệ phí trước bạ (44%), tiền sử dụng đất (40%), tiền thuê mặt đất, mặt nước (41%), thuế bảo vệ môi trường (55%), thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác (60%).

Đánh giá theo cơ quan thu, về cơ bản các khoản thu do Cục Thuế thu đều đạt tiến độ thu bình quân, tuy nhiên số thu vẫn phụ thuộc nhiều từ ngành than. Còn phần địa phương thu 9 tháng mới đạt 49% dự toán, bằng 87% so với cùng kỳ 2022. Hiện mới chỉ có 5/13 địa phương đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí: Móng Cái (90%), Tiên Yên (75%), Hải Hà (77%), Đầm Hà (75%), Cô Tô (83%). Các địa phương còn lại đang phải loay hoay với bài toán đảm bảo nguồn thu từ nay đến cuối năm.

Quyết liệt các giải pháp tăng thu  

Với số thu đến hết tháng 9/2023 là 41.178 tỷ đồng, thì những tháng còn lại của năm, các cơ quan thu NSNN còn phải thu thêm 12.822 tỷ đồng, như vậy đến hết năm 2023 mới đạt 54.000 tỷ đồng như kế hoạch đã đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh.

Hoạt động bốc xúc, tiêu thụ than tại khu vực Hòn Nét - Con Ong (TP Cẩm Phả). Ảnh: Mạnh Trường
Hoạt động bốc xúc, tiêu thụ than tại khu vực Hòn Nét - Con Ong (TP Cẩm Phả).

Từ những đánh giá, phân tích khoản thu đã đạt và dư địa trong những tháng cuối năm, các đơn vị được giao thu NSNN quyết tâm sẽ tăng thu từ hoạt động XNK, trong đó phấn đấu quý IV/2023 đạt 2.000 tỷ đồng, qua đó cả năm sẽ đạt 14.500 tỷ đồng, bằng 121% dự toán tỉnh giao; thu nội địa quý IV/2023 phấn đấu đạt 10.822 tỷ đồng, qua đó cả năm đạt 39.500 tỷ đồng, bằng 94% dự toán (cụ thể thu từ thuế, phí quý IV đạt 8.849 tỷ đồng và cả năm đạt 34.500 tỷ đồng, bằng 100% dự toán; thu tiền sử dụng đất quý IV đạt 1.973 tỷ đồng và cả năm đạt 5.000 tỷ đồng, bằng 67% dự toán).

Với tính toán, đề xuất như trên, dự kiến sẽ có 12/17 khoản thu hoàn thành dự toán vào cuối năm, gồm: Thu từ DNNN Trung ương quản lý (110%), thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý (122%), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (100%), thuế thu nhập cá nhân (100%), thuế sử dụng đất nông nghiệp (375%), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (114%), tiền thuê mặt đất, mặt nước (103%), các loại phí, lệ phí (100%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (154%), thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (101%), thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế (105%), thu khác ngân sách (104%). Còn lại 5/17 khoản thu dự kiến không hoàn thành dự toán, gồm: Thu từ khu vực ngoài quốc doanh (90%), lệ phí trước bạ (60%), tiền sử dụng đất (67%), thuế bảo vệ môi trường (71%), thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác (82%).

Cán bộ Chi cục thuế TX Đông Triều hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thực hiện kê khai thuế. Ảnh: Mạnh Trường
Cán bộ Chi cục thuế TX Đông Triều hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thực hiện kê khai thuế.

Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Với tính toán như hiện tại của đơn vị, về cơ bản các địa phương đều hoàn thành dự toán số thu tiền thuế, phí. Riêng về tiền sử dụng đất, dự kiến chỉ có 3/13 địa phương hoàn thành dự toán (Cẩm Phả 100%, Móng Cái 172%, Bình Liêu 100%), còn lại 10/13 địa phương không hoàn thành dự toán (Quảng Yên 72%, Đông Triều 60%, Hạ Long 54%, Tiên Yên 47%, Uông Bí 43%, Ba Chẽ 27%, Hải Hà 14%, Đầm Hà 12%, Vân Đồn 12%, Cô Tô dưới 10%).

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2023 được HĐND tỉnh giao 54.000 tỷ đồng, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương phấn đấu tăng thu XNK, tăng thu từ thuế phí. Đồng thời khẩn trương, sớm hoàn thành thủ tục về giá đất, đặc biệt là các dự án do tỉnh thực hiện nhằm đảm bảo đủ chỉ tiêu pháp lệnh về thu nội địa HĐND tỉnh giao dự toán đầu năm là 42.000 tỷ đồng.

Sản xuất sản phẩm công nghiệp dệt may tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên Hợp Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà. Ảnh: Mạnh Trường
Sản xuất sản phẩm công nghiệp dệt may tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên Hợp Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà. 

Một số nhiệm vụ, giải pháp được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, đó là cần tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu NSNN năm 2023 trên địa bàn theo Quyết định số 1080/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh và Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2023 theo Quyết định số 1761/QĐ-UBND ngày 28/6/2023 của UBND tỉnh. Trong đó yêu cầu các thành viên Tổ công tác bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Đối với nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khách du lịch qua trạm thu, soát vé Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn). Ảnh: Mạnh Trường
Khách du lịch qua trạm thu, soát vé Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn). 

Đối với Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tài chính và UBND các địa phương, cần phải theo dõi, triển khai công tác thu, đặc biệt là các doanh nghiệp trọng điểm (than, điện, xăng dầu, xi măng; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo; doanh nghiệp kinh doanh bất động sản...); thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 2340/UBND-KTTC ngày 25/8/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý thuế; tập trung thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm (các hoạt động giao dịch liên kết, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có dự án, doanh nghiệp hoạt động xây dựng...). Đồng thời với đó, cần phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN. Kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế theo quy định, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng dự toán thấp hơn chỉ tiêu Trung ương giao (dưới 8%).

Theo baoquangninh.com.vn