Những cung đường mùa xuân
Cao tốc dọc tỉnh, khẳng định vai trò trục “xương sống” phát triển
Sau 7 năm nỗ lực, cuối năm 2022 Quảng Ninh chính thức hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh với tổng chiều dài 176km kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trục cao tốc được liên kết thẳng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hệ thống quốc lộ, đường tỉnh nối với các KKT, KCN, trung tâm đô thị, du lịch, văn hóa của tỉnh và khu vực phía Bắc.
Tại lễ khánh thành đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Con đường này sở hữu nhiều giá trị khác biệt, là con đường của niềm tin và sức mạnh đoàn kết; con đường của khát vọng, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; con đường mang tầm nhìn chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng...
Sau hơn 1 năm trục cao tốc đưa vào khai thác, hiệu quả thấy rất rõ ràng khi khẳng định vai trò cầu nối liên kết các trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa của tỉnh. Là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển dư địa đất đai, thu hút đầu tư, cải thiện nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách thông qua các số liệu thống kê về lượt phương tiện giao thông trên tuyến với tần suất trung bình đạt gần 4.000 lượt phương tiện/ngày và tăng gấp hai vào những ngày cuối năm 2023. Các hoạt động giao thương, đi lại tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm trước năm 2021 khi các tuyến cao tốc chưa hình thành đồng bộ.
Những đúc kết từ người đứng đầu Chính phủ về trục cao tốc đã bao quát rất rõ những chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới của nhiều thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh. Đây cũng là niềm tự hào không chỉ của người dân trong tỉnh, mà còn của đất nước, khi trục cao tốc đang trở thành biểu tượng về đổi mới, sáng tạo, vượt khó bằng nội lực. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên tự làm đường cao tốc, mạch máu của nền kinh tế, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng, là "trục xương sống" của nền kinh tế phát triển.
Khẳng định hiệu quả tuyến cao tốc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho biết: Thời gian là tài sản vô giá của con người, thời gian di chuyển được rút ngắn bằng việc đưa hệ thống cao tốc vào khai thác, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách, nhà đầu tư đi lại. Đây là tư duy chiến lược, bài bản và phù hợp với xu thế phát triển được Quảng Ninh ưu tiên, quyết tâm thực hiện những năm qua. Trục cao tốc dọc tỉnh đã khẳng định được vai trò rất lớn khi tham gia trực tiếp vào chuỗi vận hành của các KKT, KCN, trung tâm đô thị, du lịch, văn hóa của tỉnh và khu vực. Từ đó giành được lợi thế riêng có và ưu tiên hợp tác để các địa phương, tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ, bài bản.
Quả vậy, với chiều dài 176km từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đi qua các đô thị kinh tế phát triển, trục cao tốc dọc tỉnh đã trở thành con đường chiến lược của Quảng Ninh với nhiều giá trị khác biệt, thể hiện chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Cung đường của niềm tin, khát vọng đón mùa xuân mới trong khí thế đầy tự hào.
TP Móng Cái thấy rõ tác động, hiệu quả tuyến cao tốc. Năm 2023 thành phố thu hút thêm 599 doanh nghiệp XNK (tăng 281 doanh nghiệp so với năm 2022); tổng lượng hàng hóa XNK đạt trên 1,6 triệu tấn, tăng 71,3%; kim ngạch XNK đạt trên 4,5 tỷ USD, bằng 130%; khách du lịch đạt gần 2,5 triệu lượt. Các địa phương khác như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn... các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh 9 năm liền tăng trưởng 2 con số, năm đầu tiên GRDP đứng đầu đồng bằng sông Hồng, thu hút FDI đạt 3,1 tỷ USD đứng đầu toàn quốc, khách du lịch đạt con số kỷ lục với 15,5 triệu lượt.
Để người dân được hưởng tăng trưởng bao trùm
Những con đường từng gập ghềnh sỏi đá, lầy lội, bị chia cắt trong mưa lũ dần "lột xác", thay thế bằng hệ thống đường trục xã, liên xã. Người dân vùng cao đi lại được thuận lợi, việc xuống phố, vận chuyển, trao đổi hàng hoá dễ dàng hơn, nông sản làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua... Đó là những thay đổi nhìn thấy rõ nhất trong đời sống nhân dân khu vực miền núi của tỉnh khi hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư.
Đến xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) sau khi tuyến đường nối từ xã Đại Dực đến xã Đại Thành (cũ) được đưa vào khai thác, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: Có giao thông, đường mới, bà con trong vùng mừng lắm. Trước khi sáp nhập, Đại Dực - Đại Thành (cũ) dù cạnh nhau, nhưng để đến trung tâm xã phải di chuyển quãng đường khoảng 40km, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, đường rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng và trơn lầy vào ngày mưa. Nay người dân chỉ mất 10 phút để di chuyển khi tuyến đường kết nối mới giờ chỉ còn 7km, nối thẳng đến QL18C. Có đường mới, mọi việc đều thuận lợi, nhất là việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của người dân nhanh, tiện hơn, nông sản làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua. Điều đáng mừng, người dân trong xã có thêm nhiều ý tưởng phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng địa phương.
Chị Đặng Thị Lầu (xã Đại Dực) cho biết: Có đường mới đến trung tâm xã tiện và nhanh hơn, gia đình tôi đã phát triển mô hình du lịch trải nghiệm tại xã. Ngày nào cũng có khách đặt ăn, khách Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước tìm đến đăng ký được ngắm suối thiên nhiên và thưởng thức món gà Tiên Yên. Dịp cuối tuần, 5 căn chòi gỗ dựng bên mép suối của gia đình luôn kín chỗ, chúng tôi phải huy động thêm bà con trong xã đến phụ giúp. Đường mới đã đem lại cho người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, đời sống được cải thiện và nâng cao. Nhiều bà con trong xã đang mở rộng thêm nhiều sản phẩm tham quan độc đáo như tắm suối, khám phá nhà cổ, hoạt động tìm hiểu cuộc sống của người DTTS ngay tại xã...
Các địa bàn vùng khó trong tỉnh có sự thay đổi từng ngày. Với chủ trương mọi người dân Quảng Ninh được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi..., những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội. Đây được coi là động lực chính cho cuộc cách mạng về hạ tầng ở vùng khó. Trong 2 năm qua đã có gần 1.000 dự án, công trình được đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó có hàng trăm tuyến đường mới được đầu tư kết nối hầu khắp các khu vực trong tỉnh đến các trung tâm phát triển.
Điển hình như: Đường du lịch nối thác Khe Vằn và Húc Động - Cao Ly - Khe Tiền - Sông Moóc A, Sông Moóc B - đỉnh Cao Ba Lanh của huyện Bình Liêu đã tạo thành chuỗi liên thông các điểm du lịch đặc sắc. Dự án nâng cấp chống ngập lụt tại tỉnh lộ 330 trên địa bàn huyện Ba Chẽ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa lũ; đường nối từ Sơn Dương đến Đồng Lâm, Đồng Sơn giúp người dân các xã khu vực vùng cao của TP Hạ Long phát huy kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng đời sống...
Những con đường mới đang nối nhau, đan xen, dệt nên mùa xuân đang tràn ngập khắp tỉnh.