Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan

Cán bộ, công chức Chi cục KTSTQ kiểm tra tại Công ty TNHH Vôi Hạ Long (TP Hạ Long).

Hướng tới sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp và đảm bảo công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Chi cục KTSTQ đã chủ động xây dựng 6 chuyên đề, tập trung vào các vấn đề có dấu hiệu rủi ro cao để nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm. Các chuyên đề được thực hiện trên nguyên tắc bám sát ý kiến chỉ đạo của cấp trên, căn cứ tình hình cụ thể và mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch công tác KTSTQ năm 2021 và 2022. Đồng thời dự kiến chi tiết thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, đơn vị chủ trì; số lượng doanh nghiệp, kết quả thực hiện. Đây được cho là sáng kiến đột phá của Chi cục so với những năm trước.

Với từng chuyên đề cụ thể, Chi cục đã tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp, bố trí nhân sự và thực hiện khoán việc đến từng nhóm, từng cá nhân theo từng chuyên đề cụ thể một cách hiệu quả theo đúng chuyên môn, sở trường của từng công chức. Điều này, đã từng bước đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo hướng chuyên sâu về từng lĩnh vực nghiệp vụ hải quan và giúp cho việc quản lý và theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách liên tục qua từng năm.

Để nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm, giảm bớt thời gian kiểm tra tại trụ sở của doanh nghiệp, Chi cục đã yêu cầu các cán bộ, công chức tập trung cao độ vào công tác thu thập thông tin, tổ chức rà soát kỹ hồ sơ để có những đánh giá phân tích, nhận diện trước những tình huống phức tạp có thể xảy ra để có hướng xử lý trước khi quyết định kiểm tra.

Cán bộ, công chức Chi cục KTSTQ kiểm tra tại Công ty TNHH Dệt Hằng Luân (KCN Texhong, huyện Hải Hà).

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chi cục chỉ lựa chọn những doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, không gặp khó khăn trong việc phòng chống dịch để có thể phối hợp thuận lợi với đoàn kiểm tra. Khi tiến hành một cuộc kiểm tra, Chi cục cũng đã trao đổi, nắm thông tin phía doanh nghiệp trước khi thực hiện để nhận được sự chấp thuận của doanh nghiệp. Trước khi ra kết luận, ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính, Chi cục cũng đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp giải trình và thuyết phục doanh nghiệp chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan hải quan, nhằm hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, khiếu kiện hành chính và tình trạng nợ đọng thuế kéo dài.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các khâu, vận dụng linh hoạt các kỹ năng nghiệp vụ cùng với sự đồng thuận của doanh nghiệp, các cuộc KTSTQ đều đạt được mục tiêu, đó là chỉ ra sai phạm của doanh nghiệp, tránh thất thu ngân sách. Đồng thời rút ngắn thời gian kiểm tra từ 10 ngày theo quy định xuống chỉ còn 5,9 ngày/cuộc, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về số thu NSNN và tỷ lệ phát hiện vi phạm cao hơn so với kế hoạch giao, ngoài vi phạm về mã số, thuế suất, trị giá thì qua công tác KTSTQ đã phát hiện những vi phạm, dấu hiệu vi phạm mới của doanh nghiệp như: Doanh nghiệp đã thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp với dự án đầu tư đăng ký tại danh mục hưởng ưu đãi đầu tư do Cục Hải quan tỉnh xác nhận; doanh nghiệp khai sai xuất xứ hàng hóa...

Qua những sai phạm được phát hiện, Chi cục KTSTQ đã đề xuất lãnh đạo Cục chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả, chống thất thu thuế và gian lận thương mại. Đồng thời, Chi cục KTSTQ đã cùng với các đơn vị trong toàn Cục và doanh nghiệp tập trung phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân sai phạm, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định, tuân thủ pháp luật, không để lặp lại các sai sót và tránh phát sinh những vi phạm khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Ông Vũ Hồng Chung, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ, cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được từ đầu năm 2021, trong những tháng cuối năm, Chi cục sẽ tiếp tục có sự rà soát đánh giá hiệu quả từ việc kiểm tra theo chuyên đề để triển khai tiếp trong những tháng còn lại cuối năm. Đồng thời sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung các chuyên đề mới, tập trung thu thập, phân tích thông tin các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch XNK, doanh nghiệp có số thuế lớn trên địa bàn để đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Việc thu thập thông tin theo các chuyên đề sẽ liên quan loại hình XNK có độ rủi ro cao, mặt hàng, nhóm mặt hàng có khả năng xảy ra vi phạm lớn để đảm bảo công tác KTSTQ trong năm 2022 đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, đơn vị cũng sẽ tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn đối tượng để “kiểm trúng, kiểm đúng” giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm qua kiểm tra; tích cực hỗ trợ giải đáp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về nội dung các cơ chế, chính sách trong quy định của pháp luật về hoạt động xuất nhập khẩu, thuế, hải quan.

Theo BaoQuangNinh.Com.Vn