Sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch
Những ngày đầu năm 2022, lượng khách đổ về các khu du lịch tâm linh tăng cao. Chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích, đền chùa, người dân và du khách đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo Phó BQL Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều) Nguyễn Thị Phương: Từ trước Tết Nguyên đán, BQL đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, dán mã QR tại cổng vào, chuẩn bị nước sát khuẩn tay, khẩu trang phục vụ người dân và du khách; trang bị biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch về Sở Y tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Các địa phương cũng tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.467 lượt cơ sở lưu trú du lịch thực hiện đăng ký đánh giá an toàn Covid-19 tại địa chỉ website safe.tourism.com.vn do Bộ VH-TT&DL quản lý. Các địa phương chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng thị hiếu của du khách.
Như huyện đảo Cô Tô lồng ghép các sản phẩm du lịch với hoạt động bảo vệ môi trường như nhặt rác ở bãi biển là một trong những trải nghiệm mới mẻ, được nhiều du khách yêu thích, nhất là khách nước ngoài. Với chi phí 5-7 triệu đồng/tour cho 10 khách, du khách sẽ được thuê một chiếc thuyền đến những hòn đảo nhỏ lân cận như Cô Tô con, hòn Dê, hòn Chép con… để nhặt rác kết hợp câu cá, câu mực, lặn biển, hay nghe các câu chuyện hấp dẫn của những ngư dân lành nghề. Phần lớn rác thải được thu gom tại bãi biển sẽ được tái chế thành những vật phẩm lưu niệm, vật dụng trang trí đẹp mắt và ấn tượng.
Với thông điệp “Du lịch Móng Cái an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, thành phố phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: Du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm, văn hóa tâm linh, thương mại - biên mậu và du lịch biển đảo, du lịch Mice thông qua 19 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Cùng với đó, để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh, thành phố dành nhiều nguồn lực, đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Nhờ thích ứng an toàn, linh hoạt, du lịch Quảng Ninh đã đón những tín hiệu hết sức tích cực. Từ ngày 1-20/2, tỉnh đón gần 1 triệu lượt du khách, tập trung ở các điểm du lịch tâm linh, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao…
Cùng với sẵn sàng đón khách trở lại, các địa phương như Bình Liêu, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên tiếp tục tham mưu xây dựng, triển khai các quy hoạch, đề án, dự án quan trọng liên quan đến phát triển du lịch. Có thể kể đến các Đề án: Phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bình Liêu; Bảo tồn, phát huy giá trị tiêu biểu của tộc người Tày tại Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên; Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các huyện Bình Liêu, Tiên Yên…
Trong Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH-TT&DL và ý kiến của các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 từ ngày 15/3. Với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Du lịch nói chung và các địa phương nói riêng, Quảng Ninh đã sẵn sàng mở cửa đón khách, khôi phục tăng trưởng ngành "công nghiệp không khói".
Báo Quảng Ninh