Festival Áo dài Quảng Ninh 2022: Một sản phẩm văn hóa đặc sắc

Một bộ sưu tập được trình diễn tại Festival áo dài Quảng Ninh năm 2020. Ảnh: Nguyễn Dung

Năm 2020, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức Festival Áo dài. Sự kiện diễn ra tại TP Cẩm Phả với chủ đề “Miền di sản”, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách bốn phương. Trong số các nhà thiết kế tham gia chương trình, có những cái tên nổi bật trong làng thời trang Việt Nam, như Minh Hạnh, Lan Hương, Hoa hậu Ngọc Hân... Thông qua từng bộ trang phục, họ đã vừa tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, vừa lồng ghép hài hòa được cả vẻ đẹp văn hóa, con người Quảng Ninh, thể hiện trên màu sắc, kiểu dáng của trang phục. Cụ thể, gồm những màu sắc, hình ảnh về biển đảo, ẩm thực biển, biểu trưng người thợ mỏ, truyền thuyết Vịnh Hạ Long... cho đến các hình ảnh tôn vinh di tích nhà Trần tại TX Đông Triều, di tích Chiến thắng Bạch Đằng tại TX Quảng Yên, đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Yên Tử (TP Uông Bí)...

Chương trình đã thu hút hơn 1.000 lượt người dân địa phương, và du khách đến để được chiêm ngưỡng 17 bộ sưu tập đặc sắc. Đa phần khán giả đều bày tỏ niềm yêu thích với những trải nghiệm đan xen vừa mới, vừa lạ, vừa gần gũi về tà áo dài của Việt Nam. Sự hấp dẫn lớn của chương trình còn được cộng hưởng từ nhiều yếu tố: Không gian trình diễn bên bờ vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp; cách thức tổ chức sự kiện khoa học, hấp dẫn, có sự đầu tư công phu từ bối cảnh, âm thanh, ánh sáng, nghệ sĩ; công tác chuẩn bị chu đáo của địa phương về an ninh trật tự, phòng dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với e-kip chương trình...

UBND tỉnh nghe báo cáo tổ chức Festival Áo dài Quảng Ninh năm 2022. Ảnh: Hải Hà

Từ thành công đầu tiên năm 2020, năm nay khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Quảng Ninh tiếp tục tổ chức Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 với quy mô lớn hơn, dự kiến sẽ diễn ra đồng thời tại 3 thành phố của tỉnh: Uông Bí, Hạ Long và Cẩm Phả. Trong đó, tại TP Uông Bí, chương tình dự kiến gồm: 1 triển lãm áo dài diễn ra từ 15/4-15/5, và 1 buổi biểu diễn 15 bộ sưu tập áo dài của 15 nhà thiết kế vào ngày 23/4 được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình quốc gia VTV. Tại TP Cẩm Phả, buổi biểu diễn áo dài thực cảnh dự kiến mang chủ đề “Cẩm Phả - Miền đất hứa” vào ngày 1 và 2/5. Tỉnh cũng đã đề nghị nhà thiết kế nghiên cứu, đưa vào chương trình nội dung về hình ảnh người công nhân Vùng mỏ, những giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng của Cẩm Phả, thành tựu KT-XH của Quảng Ninh...

Riêng tại TP Hạ Long, loạt các sự kiện sẽ được tổ chức gồm: Triển lãm trưng bày quy trình hình thành sản phẩm áo dài từ 2 chất liệu truyền thống là “lụa” và “gai” ở Bảo tàng Quảng Ninh từ ngày 16/4-10/5; chương trình Carnival Áo dài diễn ra trên đoạn đường từ Bảo tàng Quảng Ninh đến Vincom Hạ Long; trình diễn áo dài chủ đề “Hạ Long - Miền di sản” tại Quảng trường Sun Carnival Plaza...

Có thể nói, Festival Áo dài Quảng Ninh hứa hẹn sẽ trở thành một sản phẩm văn hoá đặc sắc, hấp dẫn, đưa thương hiệu riêng của du lịch Quảng Ninh tới du khách bốn phương. Đặc biệt là tạo được sức hút với những người yêu thích vẻ đẹp trang phục truyền thống, gồm sự tinh tế uyển chuyển trên chiếc áo dài nữ, vẻ nghiêm cẩn nhã nhặn trên chiếc áo dài nam... mà không loại trang phục nào có được. Càng đặc biệt hơn khi nhờ có tài năng của các nhà thiết kế, khán giả còn được chiêm ngưỡng những dấu ấn về văn hóa Quảng Ninh từ truyền thống đến hiện đại, được thể hiện tài tình qua màu sắc, chất liệu của từng bộ áo dài. Những chiếc áo dài tinh tế, sắc sảo đó sẽ góp phần tạo nên ấn tượng tốt đẹp của du khách về vùng đất Quảng Ninh thân thiện, an toàn với nhiều vẻ đẹp chờ được khám phá.

Từ năm 2020, các cấp hội LHPN trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng hoạt động Tuần lễ áo dài từ ngày 1 đến ngày 8/3 hàng năm do Hội LHPN Việt Nam phát động. Bao gồm các việc làm thiết thực, như: Khuyến khích cán bộ, hội viên mặc trang phục áo dài khi làm việc tại công sở, tham gia các hội nghị, sự kiện; giáo dục con em trong gia đình về áo dài truyền thống; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp về áo dài giữa các chi hội phụ nữ; trao tặng áo dài cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn...

Tại TP Hạ Long, các nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị được khuyến khích mặc áo dài truyền thống  để tham gia lễ chào cờ, sinh hoạt chính trị và làm việc vào mỗi ngày thứ Hai hàng tuần. Các nữ giáo viên cũng được khuyến khích mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai hàng tuần khi làm việc, giảng dạy...

Theo Báo Quảng Ninh