Làng cổ thuần Việt ở Bắc Giang

Khói lam chiều trên ngôi làng cổ có tên gọi dân dã là làng Sấu thuộc xã Liên Chung (xưa là Chung Sơn), huyện Tân Yên. Tránh xa ồn ào khói bụi nơi đô thị, có dịp du khách hãy về thăm làng Sấu. Tương truyền, phía sau làng có một núi đất xưa kia mang hình dáng một con sấu, linh vật thường được thờ ở các đình đền, nên làng tên là Sấu.

Bộ ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Thông (sinh năm 1987), người Bắc Giang, thực hiện qua nhiều lần ghé làng. Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, anh đã gặt hái được trên 40 giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế.

 

Làng Sấu có tuổi đời vài trăm năm, với khoảng 200 ngôi nhà, trong đó còn nhiều căn nhà cổ kính.

 

Đường làng rợp bóng tre, mát mẻ trong cái nóng oi bức giữa trưa hè.

 

“Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”, tác giả Nguyễn Hữu Thông nhớ đến lời hát ru truyền miệng của các bà, các mẹ khi chụp ảnh cảnh thôn quê này.

 

Bến sông quê nằm ven bờ sông Thương, cách chân núi Dành khoảng một km, truyền cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia sáng tác.

 

Rơm rạ sau khi gặt được nông dân cất giữ để nuôi trâu bò vào mùa rét.

 

Nụ cười phụ nữ đang thu hoạch rơm vào một buổi chiều thu nắng vàng. Phần lớn các vùng nông thôn đã áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, nên những hình ảnh đơn giản như vậy tại làng Sấu mang dấu ấn khó quên với tác giả.

 

Góc quê làng Sấu, với ngôi nhà truyền thống có tường xây cay làm bằng đất. Cay là đất đóng thành gạch, viên cay có thể to gấp 4-5 lần viên gạch, nhưng không nung mà chỉ để khô.

 

Cụ bà bên bức tường nhuốm màu thời gian, nở nụ cười, khoe hàm răng đen khi gặp ống kính. Phong tục nhuộm răng đen có từ xưa, ngày càng ít người giữ được truyền thống này.

 

Làng Sấu đậm chất nông thôn Bắc Bộ, những con người chân quê trò chuyện hỏi thăm, giúp đỡ nhau, vẹn nguyên tình làng nghĩa xóm. Ngôi làng hiện nay chưa bị tác động của đô thị hóa, du lịch hóa, đáng để du khách ghé thăm.

 

Theo Vnexpress