Kỳ vọng tăng trưởng từ hoạt động cảng biển

Bốc dỡ hàng hóa tại khu vực cảng Con Ong - Hòn nét, Cẩm Phả.

Bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2022, Quảng Ninh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới tăng nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguồn than nhập từ Indonesia ngắt quãng do giá thành cao, hàng hóa xuất Trung Quốc rất hạn chế do quốc gia này vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao đã khiến nhiều hãng tàu dừng nhận vận chuyển hàng hóa; số lượng đơn hàng được ký kết mới chưa nhiều...

Những khó khăn này đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động cảng biển. Vì thế, 6 tháng đầu năm 2022, Quảng Ninh chỉ đón được 6.150 lượt tàu biển, bằng 55% cùng kỳ năm 2021. Lượng tàu biển tụt giảm kéo theo sản lượng hàng hóa cũng giảm đáng kể, đạt gần 33 triệu tấn, bằng 85% cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, lượng hành khách không có. Sự thiếu hụt những chuyến tàu và giảm sút hàng hóa đã khiến hoạt động cảng biển Quảng Ninh giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 ít sôi động.

Ông Bùi Ngọc Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, cho biết: Khó khăn không chỉ riêng của Quảng Ninh, rất nhiều cảng biển trong khu vực và quốc tế đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố dịch bệnh và giá nguyên vật liệu tăng. Tuy nhiên, giai đoạn những tháng cuối năm, hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc khi các chuỗi sản xuất được đẩy mạnh, phục vụ thị trường xuất, nhập khẩu những tháng cuối năm. Thêm nữa, hiện các công ty lữ hành, chủ cảng và các đơn vị liên quan đang khẩn trương cho công tác chuẩn bị, phục hồi sau đại dịch, đón đầu mùa du lịch tàu biển vào tháng 10/2022 thông qua việc triển khai quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, liên kết các tour, tuyến du lịch tàu biển quốc tế để thu hút khách đến với Quảng Ninh. Điều này sẽ khiến sản lượng hàng hóa và hành khách sớm tăng trở lại.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Lân.

Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế... Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.

Nhận diện những khó khăn để tìm cách khắc phục, nắm bắt cơ hội mới để đảm bảo tăng trưởng, trong giai đoạn hiện nay, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đang đẩy mạnh vận động, hướng dẫn các chủ cảng thực hiện rà soát tổng thể hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu thông qua việc đổi mới cơ chế, chính sách cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đó là tăng cường quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo.

Các cảng cũng đã chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm, tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ hàng. Các đơn vị quản lý nhà nước, thực thi công vụ không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm đem lại sự tiện ích, thuận lợi nhất cho khách hàng với quyết tâm đơn giản hóa và rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.

Tin tưởng với chủ động và tích cực, hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh sẽ sôi động trở lại, nhất là giai đoạn những tháng cuối năm khi các KCN của tỉnh đang khẩn trương đưa nhà máy mới vào vận hành, trong đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tính chất toàn cầu như Foxconn, TCL, Vĩ Trọng, Huyndai Thành Công... mở rộng sản xuất. Điều này sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ vào Quảng Ninh dẫn đến nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị cao, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cảng biển, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh trong năm 2022.