Check-in thả ga tại Bảo tàng gốm Bát Tràng
Nằm bên bờ sông Bắc Hưng Hải, Bảo tàng gốm Bát Tràng nổi bật với kiến trúc được lấy cảm hứng từ bàn xoay - một dụng cụ làm gốm của người dân làng Bát Tràng. Trong thời gian gần đây, bảo tàng trở thành địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước bởi các hoạt động trải nghiệm thú vị và không gian check-in mới lạ.
Không gian Bảo tàng gốm Bát Tràng được chia thành 6 tầng, đó cũng chính là 6 khu trải nghiệm khác nhau.
Tầng 1 là nơi được các bạn trẻ thích nhất bởi không gian kiến trúc độc đáo. Đây là nơi cho ra đời các bức ảnh "sống ảo" thần thánh, đồng thời là nơi trưng bày các gian hàng của làng gốm Bát Tràng.
Tầng 2 mang đến cho du khách những kiến thức thú vị về làng gốm Bát Tràng xưa và nay. Du khách nên khám phá không gian này theo hướng vòng từ trái qua phải, để hiểu thời trước gốm được làm như thế nào, và chiêm ngưỡng các dòng gốm hiện đại của Bát Tràng.
Tầng 3 với tên gọi Trung tâm nghệ thuật đương đại là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại ấn tượng. Tầng 4 là nơi để du khách nghỉ chân, nhâm nhi ly cà phê và ngắm dòng sông Bắc Hưng Hải lững lờ trôi. Tầng 5 là không gian trà đạo và nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Tầng G là khu vực để du khách thử làm nghệ nhân và tạo ra sản phẩm gốm của riêng mình. Mình được rất nhiều bạn bè và người thân giới thiệu đến đây và khi tới nơi rồi, mình thấy không gian này thực sự tuyệt vời. Mình nghĩ đây là nơi đáng để đến tham quan nhiều lần và là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội.
Đã đến Bát Tràng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên chị Quách Thị Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) thăm bảo tàng gốm: "Không gian để lại cho mình nhiều ấn tượng, nhất là khu vực tầng 2, ở đó lưu giữ, mô phỏng quá trình phát triển của làng gốm từ xưa đến nay", chị Thủy chia sẻ.
Mong muốn đến thăm Bảo tàng gốm Bát Tràng từ lâu nhưng chưa có dịp ghé qua, lần này bạn Kiều Chinh và Hồng Đức (sinh viên Đại học Y Hà Nội) đã tranh thủ ghé qua trong dịp nghỉ hè.
"Bình thường mình hay đi chơi ở các địa điểm trong thành phố, nên lần này muốn tìm nơi mới hơn để vừa trải nghiệm vừa khám phá văn hóa truyền thống", Kiều Chinh chia sẻ.
"Mình rất thích kiến trúc ở đây, chắc chắn các kiến trúc sư đã tính toán rất kỹ lưỡng để cho ra đời bảo tàng hài hòa và hợp với văn hóa Bát Tràng, nhất là từ các không gian trưng bày đến trải nghiệm", Nguyễn Hà Khoa (Hà Nội) nói.
Hiện, bảo tàng gốm mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 8h sáng đến 18h, giá vé vào cửa là 50.000 đồng/người, bao gồm vé tham quan các khu vực tầng G, tầng 1, 2, 4. Ngoài ra, du khách có thể mua thêm vé để trải nghiệm nặn gốm, thưởng thức nghệ thuật đương đại và trà đạo.