Thúc đẩy phát triển XNK bền vững

Thông quan trở lại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái) từ ngày 30/5/2022.

Nỗ lực giữ “vùng xanh an toàn”

Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng đến đầu tư, phát triển bền vững, các kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay, gắn với các KCN, KKT, cửa khẩu trên địa bàn. Điều này đã góp phần tạo động lực cho tỉnh phát triển mạnh mẽ, kết nối giao thương và thúc đẩy liên kết vùng, hội nhập quốc tế, thuận lợi hóa thương mại, nâng cao kim ngạch XNK.

Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, rất thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa tại cửa khẩu. Để phát huy lợi thế này, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với hoạt động XNK theo chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và yêu cầu phòng dịch từ phía bạn.

Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc chủ động xây dựng các phương án phòng dịch, giữ vững “vùng xanh an toàn” cho khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới. Song song với đó, thường xuyên trao đổi, hội đàm các cấp, các lực lượng với chính quyền phía Trung Quốc về những biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, cùng hợp tác phát triển, sớm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa, XNK giữa 2 bên.

TP Móng Cái đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch, xin chủ trương, triển khai GPMB để sớm khởi công Trung tâm Giao dịch nông, lâm, thuỷ sản quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho hoạt động XNK.

Điển hình như tại Móng Cái, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù hoạt động XNK vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng thành phố đã chủ động thực hiện theo các chỉ đạo của tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, để ổn định hoạt động XNK trên địa bàn. Theo đó, thành phố thường xuyên tọa đàm, trao đổi thông tin, thiết lập và duy trì “vùng xanh an toàn”, khu vực cửa khẩu, lối mở, phù hợp với chiến lược “Zero Covid” phía Trung Quốc. Nhờ đó, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn 7 tháng đầu năm đạt trên 1,5 triệu USD và thu hút mới 128 doanh nghiệp XNK, nâng tổng số doanh nghiệp XNK trên địa bàn thành phố lên thành 455 doanh nghiệp.

Đặc biệt, để chủ động thúc đẩy hoạt động XNK tại các cửa khẩu được diễn ra mạnh mẽ, tỉnh đã triển khai thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa, duy trì ổn định và phát triển nguồn thu qua hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh, kết hợp chặt chẽ với hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa XNK cũng được triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả với nhiều sáng tạo, đột phá trong cải cách hành chính. Điển hình như chủ động đổi mới hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp theo từng năm, thông qua các hội nghị gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp theo các nhóm, nội dung trọng tâm, chuyên đề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội ngành các lực lượng chức năng trong giải quyết thủ tục XNK, đảm bảo kỷ cương hành chính, chống phiền hà, tiêu cực.

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai Chính quyền điện tử và hiện đại hóa hải quan, tạo nhiều kết quả đột phá, nhất là  giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với lực lượng chức năng, giảm biên chế nhưng đồng thời tăng số lượng tờ khai, tăng kim ngạch, tăng thu NSNN và tăng số lượng thu hút doanh nghiệp mới qua các năm; công tác kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro được đổi mới về tư duy và cách làm, đạt được mục tiêu “kiểm đúng, kiểm trúng” và tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm…

BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo thành phố tổ chức hội đàm trực tuyến với phía bạn Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy XNK phát triển.

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của môi trường đầu tư, kinh doanh tại cửa khẩu. Đến nay, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình giảm xuống còn 4h48’ và hàng xuất khẩu còn 1h27’. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 1,5 triệu USD, tăng 8,23% so với cùng kỳ và đạt 109,11% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh 7 tháng đầu năm ước đạt 1,7 triệu USD.

Thay đổi tư duy, cách làm để thích nghi

Hiện nay, thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Quảng Ninh đã mở rộng ra hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, tập trung ở thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Trung Đông, các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu... Điều này là điều kiện hết sức thuận lợi để Quảng Ninh có thể phát triển hoạt động XNK.

Thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để hỗ trợ và thúc đẩy, phục hồi hoạt động XNK. Trong đó, sẽ tập trung vào việc nâng cao công tác điều hành quản lý nhà nước, thu hút doanh nghiệp đầu tư bằng việc tạo quỹ đất sạch, thu hút sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh với giá trị lớn, nhằm tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định vào các thị trường nước ngoài.

Thu hút các dự án đầu tư chế biến xuất khẩu vào các KCN, CCN đã được quy hoạch; thực hiện kết nối hiệu quả cảng biển, dịch vụ cảng biển, các KKT, KCN với các cửa khẩu, lối mở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đầu tư thêm các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian làm thủ tục, công khai, minh bạch thủ tục tại cửa khẩu cho các doanh nghiệp XNK; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, lối mở, cảng biển để khai thác tối đa những lợi thế do các cửa khẩu, lối mở mang lại.

Hàng hóa thông quan tại cầu Bắc Luân II. Ảnh: Hữu Việt

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động định hướng thực hiện hoạt động XNK theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp để tận dụng được những ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do mang lại, như RCEP, CPTPP, EVFTA, UKVFTA... Tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hàng xuất khẩu, đặc biệt tận dụng công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến thương mại; xây dựng các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến vào các thị trường trọng điểm để đảm bảo được đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nâng cao năng lực quản lý, sản xuất của các doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng đáp ứng về yêu cầu chất lượng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu với từng thị trường. Xây dựng thương hiệu, thực hiện đồng bộ việc dán tem truy xuất nguồn gốc, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP... và thực hiện mua bán, thanh toán theo thông lệ quốc tế.

Thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, gắn với thị trường nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi được đưa vào sử dụng dụng sẽ tạo thuận lợi cho  phát triển hoạt động XNK.

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để thúc đẩy hoạt động XNK tiếp tục phục hồi, phát triển trong thời gian tới, sở sẽ thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đồng thời, phát huy tinh thần là cầu nối, sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp XNK qua địa bàn tỉnh. Tiếp tực chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, cập nhật kịp thời về chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới, XNK. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động XNK phù hợp, hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động XNK, phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn.

Theo BaoQuangNinh.Com.Vn