Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm cao mới

Hoàn thành ước mơ trục cao tốc dọc tỉnh

Là tỉnh biên giới, hải đảo, Quảng Ninh có địa hình trải dài gần 250km từ Đông Triều đến Móng Cái, giao thông đi lại cách trở do nhiều sông suối và đồi núi, được ví như một ốc đảo. QL18A thiết kế tốc độ thấp, làn đường nhỏ hẹp, nhiều ngầm tràn, phà, là trục đường huyết mạch chạy dọc chiều dài tỉnh. Điều này đã trở thành rào cản rất lớn đối với một tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, tài nguyên, khoáng sản được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví như đất nước Việt Nam thu nhỏ.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 1/9/2022.

Mạch nguồn cảm xúc về một Việt Nam thu nhỏ để nói về Quảng Ninh tiếp tục được nối dài trong các chuyến thăm của nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2016 khi thăm Quảng Ninh cũng đã nhắc đến cụm từ này; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2016, năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại nhiều cuộc làm việc với Quảng Ninh cũng đề cập đến cụm từ “Việt Nam thu nhỏ” để nhận định về tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của tỉnh.

Điều này cũng là nỗi niềm trăn trở trong nhiều năm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ. Quảng Ninh được trung ương kỳ vọng, sự hưng thịnh của Quảng Ninh - mảnh đất được Bác Hồ đặt tên với khát vọng lớn lao cần được đánh thức tiềm năng, lợi thế. Trong đó, giao thông là bước đột phá, động lực quan trọng cần đi trước mở đường. Ước mơ sở hữu trục cao tốc dọc tỉnh cũng đã xuất hiện khi Quảng Ninh triển khai các quy hoạch chiến lược, hình thành không gian phát triển mới "Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá" như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chặng đường phát triển của tỉnh trong thập kỷ qua.

Để có được “trái ngọt”, hoàn thành ước mơ trục cao tốc dọc tỉnh, sự kế thừa và đổi mới tư duy trong phát triển của các thế hệ lãnh đạo tỉnh không ngừng lớn mạnh. Nghĩ những việc chưa ai nghĩ, làm những việc chưa ai làm, một hành trình với biết bao gian lao, thử thách cùng tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng bắt đầu khi tỉnh chủ động đề nghị Chính phủ cho tự làm đường cao tốc. Một tiền lệ chưa từng có trong ngành GTVT Việt Nam khi đây là hạng mục công trình do Chính phủ đầu tư.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Năm 2015 Quảng Ninh bắt tay vào làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội dài 25,2km - Tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh. Để xây dựng lên tuyến cao tốc này, Quảng Ninh đã vượt qua vô vàn khó khăn. Tỉnh đã mạnh dạn huy động nguồn lực theo phương thức PPP, tự cân đối ngân sách tỉnh để xây dựng đường cao tốc. Ngày 1/9/2018, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng khánh thành, đưa vào sử dụng, rút ngắn quãng đường Hạ Long đi Hà Nội từ 180km còn 130km, thời gian di chuyển giảm từ 3,5h còn 1,5h. Mảnh ghép đầu tiên của trục cao tốc dọc tỉnh đã thành hình.

Tại lễ khánh thành cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích có 4 lý do để khẳng định tính khác biệt của tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng: Góp phần thúc đẩy liên kết vùng tam giác kinh tế phía Bắc, mở rộng không gian phát triển cho toàn khu vực; rút ngắn thời gian di chuyển - là tài nguyên quý giá của con người; cầu Bạch Đằng là cây cầu “made in Việt Nam”, khẳng định tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt Nam; minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp mạch sự phát triển, Quảng Ninh đầu tư cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức PPP. Ngày 31/12/2018, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được khánh thành cùng với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trong niềm hân hoan của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Cách mà Quảng Ninh gỡ khó về nguồn lực để làm những công trình này, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó cho là bài học quý mà các địa phương khác cần học tập.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Mảnh ghép cuối cùng của trục cao tốc dọc tỉnh chỉ còn 80km nữa là nối đến Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái. Hoàn thiện trục cao tốc này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, du khách đi lại, mà còn mở ra một cửa ngõ giao thông mới liên vùng, nối ASEAN với thị trường hơn 1 tỷ dân Trung Quốc. Vẫn cách làm hiệu quả, Quảng Ninh tiếp tục huy động nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, mạnh dạn, linh hoạt vận dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Sun Group là nhà đầu tư chiến lược đủ tầm để đảm nhận đoạn tuyến cuối cùng này. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công từ năm 2019, hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 1/9/2022, hoàn thành lời hứa với nhân dân sau 3 năm triển khai với bao khó khăn phải vượt qua.

Như vậy chỉ sau 7 năm (từ năm 2015), Quảng Ninh đã hoàn thành giấc mơ về trục cao tốc dọc tỉnh nối liền Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng; rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực. Từ đó, hình thành mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, tạo không gian phát triển mới... Trục cao tốc dọc tỉnh chắc chắn sẽ tạo nên một Quảng Ninh thịnh vượng, cực tăng trưởng quan trọng của khu vực phía Bắc Việt Nam.

Kết nối để cộng hưởng lợi thế

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh”. Khẳng định quyết tâm của tỉnh, chưa đầy 5 tháng, Quảng Ninh đã hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh với chiều dài 176km, nối liền cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, tạo thành trục cao tốc liên thông Lào Cai - Hà Nội - Móng Cái dài gần 600km, chiếm 60% tổng số km đường cao tốc Việt Nam đang có, là hạ tầng giao thông liên kết tốt nhất phía Bắc hiện nay.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, tháng 7/2022.

Với tư duy sáng tạo và đổi mới, Quảng Ninh đã sớm định vị được vị trí, vai trò của mình trong khu vực và liên vùng. Từ đó tiếp tục khẳng định đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là một trong 3 đột phá chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông động lực để hình thành chuỗi liên kết vùng. Đến nay, tỉnh sở hữu sân bay quốc tế, cảng biển chuyên dụng hiện đại liên thông đến các cảng biển hàng đầu thế giới, tham gia vào trục cao tốc dài nhất Việt Nam để trở thành tỉnh đa cực, đa trung tâm, phát triển đồng bộ và toàn diện nhất nước.

Từ hạ tầng giao thông đồng bộ, Quảng Ninh đã hình thành chuỗi mắt xích quan trọng để có thể khai thác được thế mạnh riêng của từng khu vực, hình thành mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, bù đắp những thiếu hụt mà mỗi địa phương đang tìm kiếm, như: Cửa khẩu của Móng Cái, Bình Liêu, diện tích mặt bằng và nguồn lao động của Đầm Hà, Hải Hà tại trục kinh tế phía Đông với Cảng biển của Hạ Long, Cẩm Phả, 5 KCN với nhiều sản phẩm chế biến, chế tạo tại TX Quảng Yên. Các KCN có thể kết nối nhanh nhất tới cảng biển, cửa khẩu, nguồn nhân lực, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất, đáp ứng nhiều sản phẩm kết hợp, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển, hình thành cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới... Đây chính là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư, để hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao.

Một góc TP Hạ Long hôm nay.

Không chỉ tạo điều kiện phát triển nội tỉnh, hạ tầng giao thông Quảng Ninh còn mang tính chất liên vùng khi tháng 7/2022, 4 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km, trong đó Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km. Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt KCN, các đô thị... nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần TP Đà Nẵng.

Chuỗi liên kết này sẽ giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Lợi thế được cộng hưởng khi hạ tầng giao thông phát triển, trong đó Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương. Đây chính là động lực để hiện thực hoá khát vọng vươn tới những tầm cao mới của Quảng Ninh.

Theo Báo Quảng Ninh