Thúc đẩy phát triển thương mại biên giới Việt-Trung

Các đồng chí lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) bấm nút thông quan cầu Bắc Luân II năm 2019. Ảnh: Đỗ Phương

Phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, những năm qua, việc duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đặc biệt, nhằm ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên đã hợp tác toàn diện với mọi cấp, mọi ngành, trên cả bình diện song, đa phương, trở thành kiểu mẫu trong quan hệ cấp địa phương hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại biên giới.

Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc. Thông qua đó, Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, ngày 19/3/2019, tỉnh Quảng Ninh và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức thông quan cầu Bắc Luân II, kết nối TP Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) với TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Việc thông quan cầu Bắc Luân II đã giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải của cầu Bắc Luân I, góp phần đẩy mạnh việc giao thương kinh tế, thương mại, du lịch của hai bên.

  Lãnh đạo TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) tiến hành hội đàm bằng hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai địa phương trong năm 2022. 

Tỉnh cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.

Điều này đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vùng biên ngày càng đạt được kết quả cao. Năm 2020, tổng giá trị hàng hóa XNK qua biên giới tỉnh Quảng Ninh đạt trên 2,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 980 triệu USD, loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 695 triệu USD.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại bãi kiểm hóa cầu Bắc Luân I (TP Móng Cái).

Riêng giai đoạn 2021-2022, do bùng phát của dịch Covid-19, phía bạn Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” khiến các hoạt động XNK, giao thương tại cặp cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái nhiều lần bị tạm dừng. Đặc biệt đợt tạm dừng thông quan hàng hóa kéo dài từ ngày 24/2/2022 đến ngày 25/4/2022 đối với cửa khẩu cầu Bắc Luân II và từ 24/2/2022 đến ngày 29/5/2022 đối với Lối mở cầu phao Km3+4 đã khiến lượng lớn hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu, lối mở, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền, các ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương của tỉnh thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, bám sát tình hình, chủ động điều chỉnh chương trình, kế hoạch để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa triển khai các hoạt động hợp tác với Quảng Tây. Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái, cho biết: Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức gần 10 cuộc hội đàm, gửi thư trao đổi... giữa cấp ủy, chính quyền TP Móng Cái với TP Đông Hưng để thống nhất cơ chế hợp tác phòng chống dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thông quan, hợp tác quản lý biên giới...

Về phía ngành Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái và Hải quan Đông Hưng cũng đã có sự phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, thông tin cho nhau về chính sách của hai nước có liên quan đến hoạt động hải quan; tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa XNK, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh được nhanh chóng, thuận lợi; phối hợp trao đổi thông tin, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, các chất ma túy qua biên giới.

Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại kho bãi Công ty CP XNK Quốc tế Tân Đại Dương tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II.

Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, cho biết: Đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình từ phía Trung Quốc để kịp thời tham mưu với các cấp, các ngành, đồng thời thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp nắm được những chính sách XNK của phía bạn để chủ động trong điều tiết hoạt động XNK. Đồng thời, tham mưu TP Móng Cái điều chỉnh, bổ sung phương án thông quan tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II phù hợp với tình hình thực tế; thống nhất trong công tác quản lý hoạt động thông quan hàng hóa cửa khẩu cầu Bắc Luân II gắn với công tác phòng chống dịch; đề xuất với tỉnh Quảng Tây tiếp tục mở cửa, tạo điều kiện tăng về số lượng, chủng loại các mặt hàng nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam thông quan qua cửa khẩu Móng Cái. Điển hình như lập danh sách các doanh nghiệp ưu tiên (điện thoại di động, ô tô tự đổ, máy mỏ...) để trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để ưu tiên thông quan trước. Nhờ vậy, tổng kim ngạch XNK hàng hóa biên giới đường bộ với Trung Quốc qua TP Móng Cái vẫn luôn đạt kết quả cao. Thống kê 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt trên 2,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.200 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021).

baoquangninh.com.vn