Trung Quốc: Ca nhiễm mới liên tục lập đỉnh, người dân biểu tình, liệu có thể tiếp tục 'zero-Covid'?
Người dân Trung Quốc đổ ra đường biểu tình vào cuối tuần qua nhằm phản đối việc phong tỏa phòng dịch.
Trong khi số ca nhiễm mới liên tục gia tăng, các cuộc biểu tình cũng đang xảy ra trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc để phản đối việc phong tỏa theo chế độ “zero-Covid” mà chính phủ đã theo đuổi gần 3 năm nay.
Số ca nhiễm mới tăng ngày càng cao
Trung Quốc đã báo cáo kỷ lục hàng ngày thứ năm liên tiếp với 40.347 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 27/11, trong đó 3.822 ca có triệu chứng và 36.525 ca không có triệu chứng, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết hôm 28/11.
Kỷ lục cao nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 4/2022, khi toàn quốc ghi nhận khoảng 29.000 ca nhiễm/ngày. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, quốc gia tỷ dân đã liên tục ghi nhận hơn 30.000 ca/ngày kể từ giữa tuần trước, sau khi chính quyền Bắc Kinh quyết định đưa ra một số biện pháp nới lỏng phòng dịch như rút ngắn thời gian cách ly hay quy định với khách du lịch.
Trước đó, các ca nhiễm Covid-19 đã gia tăng trên khắp Trung Quốc kể từ đầu tháng 10, được cho là do các biến thể phụ mới của chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng ít nguy cơ gây tử vong hơn.
Tính đến ngày 28/11, 104 trường hợp được xác định là “nghiêm trọng”, với 7 trường hợp tử vong được ghi nhận cho đến nay. Tất cả bệnh nhân tử vong đều trên 80 tuổi và có bệnh lý kèm theo.
Theo một nhà dịch tễ học, làn sóng này có nguy cơ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và nếu Trung Quốc thay đổi cách ứng phó, họ nên dành ít nguồn lực hơn cho xét nghiệm hàng loạt và dành nhiều nguồn lực hơn cho việc tiêm chủng và giáo dục cộng đồng.
Người dân biểu tình
Các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp kiểm soát đại dịch của Trung Quốc đã nổ ra ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác cũng như khuôn viên các trường đại học vào cuối tuần qua, trở thành phép thử mới nhất với chính sách “zero-Covid” của chính quyền Bắc Kinh.
Sự thách thức công khai hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc, đặc biệt là nhắm vào chính quyền trung ương và Đảng Cộng sản cầm quyền.
Các cuộc biểu tình chủ yếu bùng phát sau vụ hỏa hoạn ở khu dân cư ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương vào tuần trước, khiến 10 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Thảm kịch đã gây ra sự phẫn nộ lan rộng trên internet vì nhiều người tin rằng các hạn chế phòng dịch Covid đã ngăn các nạn nhân thoát thân.
Ngày hôm sau, hàng trăm cư dân giận dữ đã xuống đường ở Urumqi yêu cầu chấm dứt lệnh phong tỏa đã ngăn cản 4 triệu cư dân rời khỏi nhà của họ trong 100 ngày.
Đến ngày 26/11, các nhà chức trách ở Tân Cương đã công bố rằng các hạn chế về đại dịch sẽ được dỡ bỏ “theo từng giai đoạn” nhưng không thể ngăn chặn các cuộc biểu tình lan rộng đến các thành phố giàu có nhất của đất nước và trong giới sinh viên trẻ, nhấn mạnh sự thiếu kiên nhẫn và bất bình ngày càng tăng của công chúng sau gần 3 năm xảy ra đại dịch.
Tại Bắc Kinh và các nơi khác, người dân đã tụ tập để phản đối các biện pháp hạn chế và các cuộc xét nghiệm Covid lặp đi lặp lại. Nhiều buổi cầu nguyện và biểu tình nhỏ cũng đã được tổ chức tại các trường đại học ở Bắc Kinh, Tây An, Nam Kinh, Trùng Khánh, Thành Đô, Vũ Hán và các thành phố khác.
Tại thành phố Thượng Hải, ngày 28/11, chính quyền đã đã dựng rào chắn xung quanh khu vực trung tâm thành phố, thắt chặt an ninh sau những cuộc biểu tình.
“Zero-Covid”: Thay thế hay thay đổi?
Ba năm sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn duy nhất không coi Covid-19 là dịch bệnh đặc hữu, áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người trên khắp đất nước.
Chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã giữ cho số người tử vong ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác và các quan chức nước này nói rằng chính sách này phải được duy trì để cứu mạng sống, đặc biệt là ở những người cao tuổi do tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Benjamin Cowling, người đứng đầu bộ phận dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc có thể không xử lý được làn sóng lây nhiễm do các chủng của biến thể Omicron trong trường hợp tăng đột biến vào mùa đông, đồng thời cho biết các nhà chức trách có thể cần xem xét lại chiến lược phòng dịch để giảm thiểu tác động.
Vào năm 2021, tỷ lệ giường chăm sóc đặc biệt ở Trung Quốc, nền kinh tế số 2 thế giới, là 4,53/100.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Đức là 33,9/100.000 người, ở Mỹ là 25,8/100.000 người, và ở Australia à 28,9/100.000.
“Omicron rất dễ lây lan và số ca mắc bệnh có thể tăng nhanh đến mức mặc dù hầu hết các ca nhiễm trùng đều nhẹ nhưng vẫn sẽ có đỉnh điểm với quá nhiều ca bệnh nghiêm trọng mà hệ thống chăm sóc sức khỏe không thể quản lý cùng một lúc”, ông Cowling nói.
Đặc biệt, tại quốc gia tỷ lệ tiêm chủng chưa cao như Trung Quốc, việc duy trì chính sách zero-Covid sẽ đòi hỏi những biện pháp khắc nghiệt và tiêu tốn tài sản, trong khi nền kinh tế nước này đang chịu thiệt hại ngày càng nặng.
Do đó, theo một số chuyên gia trong nước, Trung Quốc có rất ít lựa chọn ngoài việc thả lỏng dần chính sách mà họ đã theo đuổi gần 3 năm.
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra chỉ đạo chính thức sau những vụ biểu tình xảy ra cuối tuần vừa rồi. Tuy nhiên, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: “Nếu không có hướng dẫn rõ ràng từ cấp trên, các quan chức địa phương có xu hướng giữ an toàn bằng cách tuân theo lập trường hiện có”.
Còn ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc Đại lục tại JLL cho biết: “Trong ngắn hạn, chính sách Covid sẽ chỉ được điều chỉnh mà không cần chuyển hướng”.
Minh Ý
Theo CNBC, Reuters, SCMP