Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Đôi bên cùng hưởng lợi
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động XNK, chỉ có 10% doanh nghiệp tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, số còn lại là doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp, hoặc không tuân thủ. Trong bối cảnh hiện nay, khi thương mại quốc tế gia tăng, bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ trong công tác quản lý thì mấu chốt vẫn là sự tự nguyện tuân thủ pháp luật từ phía doanh nghiệp. Khi mức độ tuân thủ của doanh nghiệp càng nâng lên thì tỷ lệ hàng hóa luồng xanh (miễn kiểm tra) tăng và giảm luồng đỏ, luồng vàng (kiểm tra thực tế, kiểm tra hồ sơ), sẽ tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Để nâng mức độ tuân thủ, tháng 7/2022, Tổng cục Hải quan đã quyết định triển khai chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Đây cũng là chương trình thuộc Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với tổng vốn hơn 21,7 triệu USD, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng quản lý rủi ro đối với thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Từ đó, tăng cường việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trên góc độ tiếp cận các thông lệ quốc tế, đặc biệt là khung tiêu chuẩn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Chương trình này có nhiều điểm khác biệt so với các nội dung thúc đẩy mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trước đây mà ngành Hải quan thực hiện. Cụ thể là sẽ tập trung hỗ trợ về cảnh báo rủi ro với các doanh nghiệp tham gia chương trình. Ngoài việc hỗ trợ pháp lý, tư vấn 24/7 như quá trình trước đây, cơ quan hải quan có thể trực tiếp đưa ra các cảnh báo giúp doanh nghiệp chủ động tránh khỏi những lỗi vi phạm không mong muốn, không bị xử phạt không đáng có, từ đó nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ kiểm hóa, rút ngắn thời gian, chi phí, nguồn lực thực hiện.
Lợi ích mà doanh nghiệp nhận được khi được ghi nhận tư cách thành viên là sẽ trở thành đối tác tin cậy của cơ quan hải quan. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi như: Tư vấn, hỗ trợ 24/7 (cơ quan hải quan có 1 nhóm chuyên gia chuyên trách từ cấp tổng cục - cục - chi cục để thực hiện nhiệm vụ này); nhận các văn bản quy định chính sách mới ban hành; hỗ trợ đào tạo, tập huấn...
Đồng thời, doanh nghiệp còn được nhận cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; cảnh báo doanh nghiệp xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực XNK, các rủi ro nội bộ của doanh nghiệp trong hoạt động XNK theo khuyến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có trách nhiệm trong nước và trên thế giới.
Đặc biệt, với tư cách là thành viên, doanh nghiệp còn được ưu tiên xem xét, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi khi doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ. Trường hợp đặc biệt, theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan hải quan còn có thể phối hợp với các cơ quan khác để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp những biện pháp giảm thiểu hậu quả các lỗi vi phạm cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Mục tiêu của chương trình là sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm, các doanh nghiệp được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Theo kế hoạch, chương trình được thực hiện với 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm với một số hải quan địa phương trong 2 năm và giai đoạn 2 chính thức triển khai sau khi kết thúc giai đoạn 1. Hải quan Quảng Ninh là một trong 7 Cục Hải quan tỉnh, thành phố được ngành lựa chọn thực hiện thí điểm trong giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), cho biết: Với việc 4 năm liên tiếp dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (DDCI), những năm qua Hải quan Quảng Ninh đã có rất nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trang thiết bị, công khai minh, bạch hóa các văn bản pháp luật trên các phương tiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng nhất. Do đó, Hải quan Quảng Ninh luôn là điểm sáng trong toàn ngành về hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp gắn với phương châm “Tận tụy nhất - Nhanh chóng nhất - Hài lòng nhất”. Những điều này đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ về vai trò của lực lượng hải quan và cũng là yếu tố để Tổng cục lựa chọn Hải quan Quảng Ninh là một trong 7 đơn vị triển khai thí điểm ngay từ giai đoạn 1 của chương trình.
Thành quả bước đầu
Theo Tổng cục Hải quan, qua rà soát toàn quốc chỉ có khoảng 270 doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện, tiêu chuẩn tham gia chương trình. Trong đó, Hải quan Quảng Ninh đã rà soát và báo cáo Tổng cục ký kết với 14 doanh nghiệp. Chỉ sau 2 tháng triển khai chương trình, tính đến hết tháng 9/2022, Hải quan Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong toàn ngành đã hoàn thành việc ký kết biên bản ghi nhớ với 14 doanh nghiệp. Trên cơ sở nội dung chương trình, Hải quan Quảng Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn đến các đơn vị cơ sở, xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền kèm slide trình chiếu giới thiệu về chương trình để nhấn mạnh về những lợi ích đem lại cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, cùng lộ trình thực hiện, điều kiện được tham gia...
Đặc biệt, nhằm đảm bảo chương trình được cụ thể hóa theo từng bước bài bản, nhất quán và đem lại hiệu quả thiết thực theo đúng mục tiêu đặt ra, Hải quan Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), các doanh nghiệp, để bàn giải pháp và lấy ý kiến tham gia một cách toàn diện cả từ phía cơ quan thực thi cũng như phía các doanh nghiệp đã tham gia ký kết biên bản ghi nhận tham gia chương trình.
Với cách làm bài bản từ cấp trên, nên khi xuống cơ sở, các đơn vị đều có quyết tâm rất lớn. Điển hình như tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái được giao nhiệm vụ hỗ trợ 5 doanh nghiệp, để nâng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, chi cục đã trực tiếp đến trụ sở của doanh nghiệp, thông tin tới chủ doanh nghiệp những nội dung, chính sách mới liên quan đến thủ tục hải quan, hướng dẫn tận tình về việc kê khai hồ sơ, thủ tục XNK, đồng thời đưa ra những cảnh báo kịp thời về các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ pháp luật hải quan đối với doanh nghiệp.
Ông Lê Đăng Va, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Sông Lam MC, cho biết: Chúng tôi rất vui vì được lựa chọn tham gia chương trình, song đây là chương trình mới được triển khai, nên bước đầu đơn vị cũng gặp không ít lúng túng. Tuy nhiên, phía Hải quan Móng Cái đã có những cách làm rất bài bản như xây dựng kế hoạch hành động, thông tin hoạt động XNK của doanh nghiệp trong vòng 1 năm, thông tin mức độ tuân thủ và đặc biệt là thông tin cả những vi phạm doanh nghiệp (nếu có), để từ đó đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Điều này đã giúp chúng tôi có thêm những thông tin rất thiết thực để tránh xảy ra sai sót trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Còn tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Hòn Gai, với 7 doanh nghiệp tham gia chương trình (lớn nhất trong toàn cục), đơn vị cũng ngay lập tức thiết lập danh sách cán bộ đầu mối, thành lập nhóm chuyên trách thực hiện để tư vấn, giải quyết kịp thời những vướng mắc theo cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình khi có yêu cầu.
Ông Đào Bá Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vôi Hạ Long Quảng Ninh, chia sẻ: Hiện trung bình mỗi năm, công ty xuất khẩu 150.000 tấn vôi các loại sang Australia, Đài Loan, Philippines... Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu đối với các mặt hàng vôi (vôi sống, vôi bột, vôi cục...), có một số mặt hàng bị coi là khoáng sản, nên đưa vào diện kiểm tra thực tế hàng hóa. Quá trình này sẽ làm tăng thời gian thông quan và chi phí của doanh nghiệp. Do đó, tham gia chương trình với tư cách là thành viên, chúng tôi nhận được những hỗ trợ rất lớn từ phía ngành hải quan như được áp dụng biện pháp kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container để giảm chi phí khi thực hiện thủ tục xuất khẩu; cảnh báo trước các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ; các công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan trực tiếp liên lạc, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục; được cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh, chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực XNK. Với những lợi ích mang lại, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Hòn Gai để nâng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp từ mức 4 lên mức 3 sau 2 năm tham gia chương trình.
Có thể thấy, chỉ sau khoảng 5 tháng triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, bước đầu những kết quả này cho thấy sự lan tỏa rất tốt của chương trình, ghi nhận được sự đồng thuận lớn từ phía doanh nghiệp. Đây chắc chắn sẽ là một mắt xích để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng tới mô hình quản lý hải quan thông minh song song giữa áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp khi từng bước đưa doanh nghiệp trở thành đối tác, hợp tác tin cậy của cơ quan hải quan, cũng như giúp cơ quan hải quan thực hiện chức năng quản lý hoạt động XNK và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật hải quan hiệu quả hơn.
Triển khai chương trình, Tổng cục Hải quan phấn đấu sau 2 năm, 100% doanh nghiệp tham gia không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan và được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).
Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động XNK.
Theo baoquangninh.com.vn