3 cực tăng trưởng Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái tạo đột phá mới cho Quảng Ninh
Nhìn lại khoảng 30 năm trước, Quảng Ninh được biết đến như mảnh đất xa xôi cuối trời Đông Bắc và gần như bị cô lập bởi sông ngòi, cửa vịnh. Để đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh phải mất 5 - 7 tiếng; đi từ đầu tỉnh (Đông Triều) lên cuối tỉnh (Móng Cái) cũng mất 6 - 7 tiếng, bằng từ Hà Nội vào Nghệ An.
Giờ đây, nhắc đến Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay về một trong những địa phương phát triển nhất cả nước, liên tục giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với hệ thống hạ tầng giao thông chất lượng, quy mô và được đầu tư hiện đại bậc nhất hiện nay.
Tháng 9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức thông xe đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh. Tuyến đường này sau khi kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km, và cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 2 cửa khẩu quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành và đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thông xe cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện đường lối của Đảng về phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực, không gian phát triển mới cho khu vực Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh.
Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua hàng loạt khó khăn và không ngừng sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai, thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng ở một địa phương, lấy đầu tư Nhà nước dẫn dắt, làm vốn mồi kích hoạt mọi nguồn vốn xã hội.
Thủ tướng khẳng định, Quảng Ninh khi có đường cao tốc, có sân bay, có bến cảng sẽ là "tiền tươi thóc thật" để tỉnh này phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Quan trọng hơn nữa là đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
"Đây là con đường cao tốc của khát vọng và niềm tin. Với chiều dài 176km, tuyến cao tốc gia tăng kết nối vùng, tạo động lực phát triển cho 3 cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phá thế độc đạo của Quảng Ninh là Quốc lộ 18. Từ 1 tỉnh độc đạo có 1 con đường duy nhất thì giờ đã có bến cảng, sân bay, đường cao tốc", Thủ tướng nói.
Không chỉ là mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện trục cao tốc xuyên tỉnh, đưa Quảng Ninh thành địa phương có số ki-lô-mét đường cao tốc nhiều nhất cả nước, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái còn nối dài khát vọng đưa vùng di sản trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Chia sẻ với báo chí, ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nền tảng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, cùng các loại hình giao thông kết nối đường biển, đường bộ, hàng không và cả đường sắt đang tạo sức hút đầu tư rất lớn cho tỉnh, tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Quảng Ninh sẽ tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc trong những năm tới”.
Có thể khẳng định, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, Quảng Ninh đã hình thành chuỗi mắt xích quan trọng để có thể khai thác được thế mạnh riêng của từng khu vực, trọng điểm phải kể đến 3 cực tăng trưởng: Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Sở hữu Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, những năm qua TP. Hạ Long không chỉ được biết đến là thủ phủ, đô thị phát triển năng động nhất của tỉnh Quảng Ninh, mà còn trở thành “mảnh đất vàng”, điểm dừng chân cho rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư ở mọi ngành nghề.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, Hạ Long chính là điểm khởi đầu và là trụ cột của chiến lược phát triển Quảng Ninh theo hướng lấy thế mạnh là dịch vụ - du lịch làm trọng tâm phát triển.
"Nhìn Hạ Long những năm gần đây có thể khái quát, đánh giá được sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, và nhìn từ sự phát triển tỉnh Quảng Ninh sẽ thấy rõ giá trị của TP. Hạ Long”, PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định.
Những con số về thu hút khách du lịch của Quảng Ninh đã chứng minh cho nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên. Mục tiêu Quảng Ninh đặt ra cho cả năm 2022 là thu hút được trên 11 triệu lượt khách du lịch, riêng TP. Hạ Long đặt mục tiêu đón 4,5 triệu lượt du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 6.900 tỷ đồng. Nhưng chỉ tính đến tháng 11/2022, TP. Hạ Long đã đón 6,73 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,5 lần so với kịch bản tăng trưởng; trong đó khách quốc tế đạt 288.600 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 13.631 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng gần gấp đôi so với kịch bản tăng trưởng.
Với vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh, TP. Hạ Long gần như sở hữu trọn vẹn những giá trị riêng có mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, từ Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận đến vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, gần 2 đô thị lớn là thủ đô Hà Nội và TP. Hải Phòng, tương đối gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Với lợi thế về vị trí, kết hợp cùng 2 vùng phát triển chiến lược khác là Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Khu kinh tế Vân Đồn, Hạ Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam về quan hệ thương mại và đảm bảo quốc phòng an ninh. Hạ Long có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch, đầu mối về công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải dọc hành lang kinh tế ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc. Và trong chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh thì tâm điểm Hạ Long cũng luôn được xác định là “đầu tàu”, động lực phát triển.
Đáng chú ý, những năm qua, cơ sở hạ tầng của Hạ Long ngày càng hoàn thiện và đồng bộ với dự án tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội, hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 18A, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Việc di chuyển giữa 3 tỉnh trọng yếu (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) được rút ngắn thời gian sẽ giúp nhà đầu tư và du khách đến với Hạ Long nhanh chóng và dễ dàng hơn, là đòn bẩy vững chắc cho phát triển du lịch và kinh tế nói chung.
Với bệ đỡ là tài nguyên du lịch, cùng đòn bẩy về hạ tầng, bất động sản Hạ Long luôn tăng trưởng ổn định, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. TP. Hạ Long đã và đang trở thành một trong những thị trường bất động sản nóng nhất khu vực phía Bắc với nhiều dự án quy mô lớn.
Sự tham gia đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại TP. Hạ Long gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong đó, Tập đoàn Sun Group là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường bất động sản Hạ Long với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng tầm cỡ. Bên cạnh đó, BIM Group cũng đưa ra thị trường hàng loạt biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp với giá bán trung bình từ 18 - 35 tỷ đồng/căn.
Ngoài mức tăng trưởng ổn định về giá, sức nóng của bất động sản Hạ Long được cho là do quỹ đất ngày càng khan hiếm... Điển hình như, tại phường Bãi Cháy, giá bất động sản đất thổ cư đã liên tục tăng cao trong nhiều năm qua. Nếu năm 2015, bất động sản đường Bãi Cháy có giá dao động 70 - 80 triệu đồng/m2, đường Cái Dằm khoảng 80 triệu/m2; thì đến cuối năm 2022, giá đã tăng lần lượt lên mức 170 - 250 triệu đồng/m2 và 130 - 150 triệu đồng/m2.
Theo các chuyên gia, với những đòn bẩy vững chắc về phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện và du lịch đang dần được phục hồi, bất động sản Hạ Long được dự đoán còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Năm 2022, du lịch Hạ Long “hồi sinh” sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành du lịch - dịch vụ vươn lên trở thành trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế (GRDP). Tuy nhiên, trong đó có đến 80% lượng khách du lịch chủ yếu đến Hạ Long vào dịp hè. Điều này cho thấy, hoạt động du lịch Hạ Long vẫn mang tính mùa vụ.
Trước thực tế đó, thành phố đã thực hiện rà soát, định vị lại tiềm năng, lợi thế trên quan điểm khai thác tối đa những thế mạnh, phát triển đa dạng các loại hình du lịch hiện có để tăng sức cạnh tranh, kích cầu du khách, nhất là trong mùa thấp điểm, hướng tới mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch bốn mùa mang tầm quốc gia, quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long
Huyện đảo Vân Đồn nằm phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh với diện tích tự nhiên hơn 550km², bao gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên một vòng cung ôm trọn di sản thiên nhiên vịnh Bái Tử Long. Nằm tại cửa ngõ của vùng biển hiểm yếu, Vân Đồn được xem là có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp an ninh quốc phòng cũng như phát triển hàng hóa giao thương quốc tế vùng Đông Bắc Việt Nam.
Vân Đồn cũng được xác định là một trong 2 mũi đột phá chiến lược, thúc đẩy tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh với nền tảng là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao và kinh tế biển… trong tổ chức không gian phát triển của Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút thêm các nhà đầu tư, Vân Đồn đã và đang được ưu tiên đầu tư, triển khai đồng bộ hạ tầng cơ sở, giao thông kết nối với những dự án mới. Cùng với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố, công khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Tất cả đang hứa hẹn một Khu kinh tế mũi nhọn hướng Quảng Ninh vươn tầm quốc tế.
Đáng chú ý, Vân Đồn hiện đang sở hữu hệ thống giao thông đường bộ hiện đại với tuyến đường cao tốc, đường bao biển dài, bao quanh với nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách... Mới nhất, công trình đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được xem là “mảnh ghép” hoàn chỉnh trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh, đóng vai trò là trục kết nối hai chiều giữa Vân Đồn với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo tiền đề phát triển bứt phá cho địa phương.
Như vậy, sau khi có sân bay, đường cao tốc và đến nay có thêm cảng biển, Vân Đồn hứa hẹn tạo những giá trị khác biệt mà hiếm địa phương nào có được, góp phần tạo ra những động lực mới tăng sức thu hút đầu tư, hiện thực hóa khát vọng đưa Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.
Một vài năm trở lại đây, Vân Đồn bằng những tiềm năng ẩn chứa bấy lâu nay đã thu hút hàng loạt dự án quy mô lớn, tổ hợp nhiều chức năng với nhiều loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... Các tiện ích, dịch vụ đẳng cấp như khách sạn 5 sao, bến du thuyền, casino, sân golf,... được các doanh nghiệp địa ốc lớn đầu tư phát triển.
Cụ thể, CEO Group đầu tư và phát triển dự án Khu tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng 5 sao Sonasea Vân Đồn Harbor City tại Bãi Dài. Hay như dự án Phương Đông Vân Đồn đã hoàn thiện tất cả các hạng mục tạo nên sức sống và diện mạo mới, sôi động và sầm uất của một góc Vân Đồn hiện đại.
Giới chuyên gia khẳng định, hạ tầng giao thông chính là nhân tố quan trọng gia tăng tính hấp dẫn của các dự án tại thị trường bất động sản Vân Đồn, đưa nơi đây trở thành “miền đất hứa” của giới đầu tư sành sỏi khu vực miền Bắc trong năm 2022 và thời gian tới.
“Các nhà đầu tư vào Vân Đồn sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi, cơ chế, chính sách thông thoáng như: Ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong Khu kinh tế Vân Đồn, được ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của Trung ương đầu tư trên địa bàn nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng. Được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án cảng du lịch, bến du thuyền thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương đầu tư”.
Ông Vũ Đức Hưởng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn
Nằm ở địa đầu Đông Bắc đất nước, TP. Móng Cái những năm gần đây nổi lên như một mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, khẳng định vị trí của một “cửa ngõ” quan trọng hướng ra thế giới, đóng góp chung vào sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh.
Và để hiện thực hóa khát vọng về một thành phố thương mại tự do trong tương lai, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng, đặc biệt là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được thông xe đã “kéo” Móng Cái gần hơn với Hà Nội. Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng mở thêm nhiều đường bay quốc tế để đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ kết nối của Việt Nam, ASEAN với khu vực Đông Bắc Á.
Giới phân tích đánh giá, quy hoạch bài bản, hạ tầng giao thông hoàn thiện chính là sự hậu thuẫn vững chắc để khơi dậy tiềm năng, nâng cao vị thế của Móng Cái. Đây cũng là động lực quan trọng đánh dấu những bước tăng trưởng và chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Bởi khi giao thông thuận tiện, các định hướng về phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch… trong quy hoạch được thực thi, nhu cầu về nơi ở, lưu trú, nghỉ dưỡng... tại Móng Cái sẽ tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2025, thành phố sẽ thu hút khoảng 102.000 lao động, cùng hàng triệu lượt khách du lịch, tham quan và các nhà đầu tư, chuyên gia cao cấp đến nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư và làm việc.
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu thuộc khu kinh tế đặc biệt là các phân khu chức năng, quy hoạch vùng lõi để đưa ra các dự án phát triển hạ tầng - thu hút đầu tư. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng đường thủy trọng điểm động lực có tính liên kết vùng, phát triển vùng: Hoàn thành, khai thác đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái xuống cảng Vạn Ninh; đường ven biển liên kết Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế Vân Đồn, đoạn từ Cầu Voi, Vạn Ninh đến tỉnh lộ 335...”, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái chia sẻ với Reatimes.
Cũng theo ông Nam, Móng Cái đang tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư.
Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn của các nhà phát triển chuyên nghiệp đang được lên kế hoạch đầu tư tại Móng Cái. Đơn cử như Vingroup, Sun Group, T&T, Bến Thành Holdings, Ecopark, Vinaconex, Tập đoàn Texhong, Công ty Cổ phần Trung Chính… và hàng loạt các doanh nghiệp khác đã đến nghiên cứu, tìm hiểu đề xuất ý tưởng và triển khai đầu tư các dự án quy mô lớn, mang tính đột phá.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn chính là bước đệm để thành phố vùng biên “chuyển mình ngoạn mục”, hướng tới việc xây dựng một thành phố thương mại tự do với những lợi thế vượt trội về thương mại vùng biên, cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng chính là “cơn gió lớn” thúc đẩy những đợt sóng nổi lên tại thị trường bất động sản Móng Cái, giúp địa phương này trở thành điểm sáng có sức hút mới tại Quảng Ninh, bên cạnh Hạ Long và Vân Đồn, đặc biệt là khi các dự án của những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp đang được rục rịch triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công. Với sự xuất hiện của nhiều dự án khu đô thị mới có hạ tầng hiện đại, giá đất tại trung tâm TP. Móng Cái đã bật tăng mạnh trong khoảng 3 năm gần đây, lập mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, mức giá tại đây vẫn còn khá mềm, chỉ bằng 30 - 55% so với bất động sản tại các khu vực cửa khẩu khác.
Theo chia sẻ của các môi giới lâu năm tại thị trường Móng Cái, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, đa phần ở trạng thái chờ và nghe ngóng sau đợt sốt đất nửa đầu năm 2022, thì tại Móng Cái, thị trường bất động sản vẫn đang có những chuyển động hướng vào giá trị thực. Sau động thái kiểm soát rốt ráo của chính quyền để hạn chế các cơn sốt ảo hồi đầu năm 2022, thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã rục rịch quay trở lại hoặc tìm đến thị trường Móng Cái, nhất là khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Trà Cổ Long Beach Luxury Quảng Ninh đang trong giai đoạn triển khai, hoàn thiện. Nguồn ảnh: IT
Quy hoạch bài bản, thông tin minh bạch là cơ sở để thị trường bất động sản Móng Cái vững vàng vượt qua những cơn sốt ảo gây nhiễu loạn, hướng mạnh vào giá trị thực. Với các nhà đầu tư, thị trường Móng Cái rất có triển vọng dài hạn khi mức giá vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với tiềm năng. Ngoài đất nền, các nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến các dự án khu đô thị và nghỉ dưỡng trên địa bàn.
Với việc sớm định hình các quy hoạch mục tiêu phát triển, trong đó có 3 cực tăng trưởng Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, cho thấy rõ quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng chiến lược dài hạn, tập trung nguồn lực một cách trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy thu hút đầu tư. Đây cũng chính là lý do tỉnh Quảng Ninh ngày càng thu hút được các nhà đầu tư lớn, các dự án quy mô quốc gia, quốc tế. Cùng với nền tảng đã có về hạ tầng đô thị, giao thông kết nối, giai đoạn 2023 - 2025, chắc chắn tỉnh sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội; phát triển đa ngành nghề như công nghiệp công nghệ cao,du lịch biển đảo đẳng cấp, quy mô; phát triển chuỗi đô thị thông minh… trong đó sẽ có những bước nhảy vọt về thu hút đầu tư, phát triển thị trường bất động sản.
Cơ hội đầu tư đang rất rộng mở với các nhà đầu tư khi đến với thị trường bất động sản Quang Ninh, tuy nhiên, “bánh ngon” không dành cho mọi nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, hiện nay, đã hết thời của đầu tư lướt sóng, theo đám đông với mong muốn “kiếm bộn tiền” sau những cơn sốt ảo. Theo đó, đầu tư dài hạn là xu hướng tất yếu. Lựa chọn vị trí tiềm năng, dự án đảm bảo pháp lý, chủ đầu tư uy tín luôn là phương châm mà các nhà đầu tư nên giữ trong mình khi quyết định rút hầu bao xuống tiền./.
Theo Reatimes.vn