Đổi mới để hút du khách quốc tế đến Quảng Ninh

Khách du lịch trải nghiệm Khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).
Khách du lịch trải nghiệm Khu nghỉ dưỡng suối nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Với thế mạnh về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước. Tỉnh tiếp tục phối hợp để mở các đường bay mới từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tới một số cảng hàng không nội địa, như: Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc...

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh đón nhiều đoàn khách đến từ TP Hồ Chí Minh, đây là một trong những thị trường tiềm năng với nguồn khách dồi dào cùng kinh nghiệm làm du lịch đa dạng. Bởi vậy, việc liên kết, mở rộng thị trường này đang mang nhiều cơ hội mới cho du lịch Quảng Ninh. Bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage, nhận định: Chúng tôi tập trung kết nối, nhất là hợp tác với các đơn vị lữ hành như TST tourist - một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh để giới thiệu sản phẩm và đưa khách đến Quảng Ninh và ngược lại. Chúng tôi tập trung vào những đoàn khách lớn của các công ty, tập đoàn của TP Hồ Chí Minh để tổ chức những chương trình hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm. Đồng thời, giới thiệu những dòng sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tỉnh, như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Onsen Quang Hanh, nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long hay hướng đến những dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng mở rộng thị trường nội địa, đẩy mạnh liên kết, xúc tiến kích cầu du lịch tại các tỉnh, thành phố lân cận nhằm hỗ trợ, phát huy lợi thế, khai thác nguồn lực hợp lý để phát triển du lịch. Tỉnh đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính liên vùng. Điển hình, trong hợp tác liên kết với TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh quan tâm phát triển du lịch biển gắn với các địa danh du lịch nổi tiếng, là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà; mở rộng thị trường du lịch với các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Lào Cai; ký kết chương trình hợp tác 3 tỉnh (Quảng Ninh - Ninh Bình - Thanh Hóa). Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến, xây dựng gói sản phẩm cạnh tranh; tổ chức các chương trình, sự kiện để thu hút khách ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Khách quốc tế chuẩn bị hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.
Khách quốc tế chuẩn bị hành trình tham quan Vịnh Hạ Long.

Cùng với việc mở rộng thị trường nội địa, các đơn vị lữ hành đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của Quảng Ninh để thu hút khách quốc tế. Trong đó, hướng mạnh vào dòng khách chất lượng cao, chi trả lớn và khai thác các thị trường mới tiềm năng. Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai, Chi nhánh Quảng Ninh (Hongai Tours Quảng Ninh), cho biết: Quảng Ninh đang sở hữu những sân golf ở vị trí đắc địa, có tầm nhìn độc đáo, mặt sân đẹp, kết hợp với hệ thống khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng sang trọng, tiện nghi. Việc kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, các tuyến cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển là điểm cộng với những dòng khách chất lượng cao.

Theo thông tin của Sở Du lịch, 2 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón 3,35 triệu lượt khách du lịch, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022 (khách quốc tế đạt 157.000 lượt); tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng… Kết quả này cho thấy những tín hiệu khởi sắc và cơ hội để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đa dạng các giải pháp thu hút khách.

Theo ông Nguyễn Hữu Gia, Quản lý tàu tham quan Vịnh Hạ Long Hồng Hải 03, từ tháng 12/2022 đến nay, chúng tôi liên tục phục vụ các đoàn khách quốc tế từ Hà Nội tham quan Vịnh Hạ Long. Mức chi trả cho mỗi khách trung bình từ 800.000 -1,2 triệu đồng. Du khách đi từ 12 - 18 giờ cùng ngày, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trên Vịnh và thưởng thức ẩm thực ngay trên tàu. Do đây là loại tàu vỏ thép đã được đầu tư khang trang, hiện đại nên đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu cao của du khách nội địa và quốc tế. Lượng khách thời điểm này đều đặn, tàu duy trì 1 chuyến/ngày. Thời gian tới, nếu lượng khách tăng cao có thể lên đến 2 chuyến/ngày.

Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Cùng với doanh nghiệp, các địa phương cũng có những hướng đi mới, kết hợp chặt chẽ với lữ hành để thu hút khách quốc tế. Như ở huyện Bình Liêu, ngay trong ngày đầu tiên năm 2023, huyện có văn bản chấp thuận đề xuất của 2 Công ty du lịch: Công ty TNHH Du lịch Anytrails và Authentic Asia (Hà Nội) triển khai tour khách du lịch nước ngoài đến tham quan trải nghiệm ở Bình Liêu từ ngày 1/1/2023. Huyện cũng chuẩn bị các địa điểm, tour tuyến hấp dẫn nhất phục vụ du khách, như: Cao Sơn (xã Hoành Mô), Khe Tiền - Sông Moóc (xã Đồng Văn); khám phá rừng hồi, sở; check- in thác Khe Tiền - Sông Moóc; trải nghiệm văn hóa người Dao bản địa...

Để sẵn sàng đón lượng khách Trung Quốc, các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động xây dựng các phương án đón khách phù hợp; xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Chính quyền các địa phương TP Hạ Long, Móng Cái cũng thông tin các chính sách mới của phía Trung Quốc đến toàn bộ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch vận tải, lữ hành để phục vụ khách chu đáo; yêu cầu các đơn vị có phương án đảm bảo ATTP, ANTT, chỉnh trang lại cơ sở vật chất, bổ sung nguồn hướng dẫn viên… sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón khách.

Trong năm nay, tỉnh phấn đấu đón 15 triệu lượt, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 32.400 tỷ đồng. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, địa phương cần nỗ lực đổi mới hơn nữa hoạt động. Sở tiếp tục phối hợp với đơn vị, địa phương tăng cường quảng bá, xúc tiến tại thị trường trong nước và nước ngoài; nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, nghiên cứu mở rộng các thị trường du lịch quốc tế tiềm năng; tăng cường vai trò của công tác ngoại giao; phối hợp chặt chẽ, tạo mối liên kết với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để thu hút lượng lớn khách du lịch từ thị trường này. Sở cũng sẽ làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Dự kiến, tỉnh tổ chức gần 200 sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch Quảng Ninh. Đặc biệt, xây dựng sản phẩm, gói kích cầu du lịch, trong đó hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm hiện có, như: Tham quan và các dịch vụ trên vịnh Hạ Long; sản phẩm tại Khu danh thắng di tích Yên Tử (TP Uông Bí), Khu di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều)…, khu vực các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Cô Tô và khu vực biển đảo với tiêu chí đảm bảo an toàn phù hợp với thị hiếu, xu hướng du lịch mới; tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi) du lịch Golf … Tỉnh cũng rà soát, đánh giá và chuẩn hóa các tổ chức đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động du lịch nhằm mục tiêu tăng chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt.

Theo baoquangninh.com.vn