Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, DDCI
Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Quảng Ninh đạt 72,95 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố Bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Trong đó, Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp nhận Cúp quán quân, 10 năm nằm trong TOP 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) kết hợp với công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2022, qua đó tiếp tục có những giải pháp cải thiện bền vững trong thời gian tới, nhằm xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị hôm nay diễn ra vào dịp mang nhiều ý nghĩa khi cả nước chuẩn bị đón các ngày lễ trọng đại trong năm, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động, Ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Tỉnh Quảng Ninh vừa kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Khu mỏ (25/4/1955-25/4/2023). Cùng với đó là niềm tự hào rất lớn khi tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì 6 năm liên tục (2017-2022) giữ vị trí đứng đầu là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; Quảng Ninh cũng là địa phương duy trì bốn năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS (2019-2022); 4 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index.
Những điều này nói lên sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, những người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có những vị trí thầm lặng nhưng vẫn luôn thể hiện rõ quyết tâm chính trị cùng các giải pháp để giữ đà phát triển năm 2023 và cả giai đoạn 2020-2025, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS và PAPI.
Hành trình chinh phục đỉnh cao PCI của Quảng Ninh, chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”, là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, là niềm tự hào và niềm tin vững chắc của nhân dân, là nguồn lực, động lực rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Đồng thời, trở thành văn hóa, sức mạnh nội sinh trong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cán bộ công chức, viên chức, mỗi vị trí lãnh đạo quản lý của toàn tỉnh về mục tiêu xây dựng chính quyền tỉnh thực sự là địa phương đi đầu trong cải cách đổi mới, nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, thông thoáng, hiện đại, dân chủ, công khai, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng chất lượng và hiệu lực, hiệu quả; luôn lấy nhân dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Mọi quyết sách luôn vì mục tiêu hạnh phúc của nhân dân.
Bên cạnh niềm vui, sự phấn khởi, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bày tỏ những trăn trở: Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, nhưng dư địa để đổi mới sáng tạo còn rất lớn và tốc độ cải cách đang có dấu hiệu chững lại trên một số trục chỉ số, ít yếu tố đột phá và nhân tố mới… Vì vậy, hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số PCI, DDCI có ý nghĩa quan trọng để Quảng Ninh rút ra những bài học thành công, nguyên nhân của những điểm hạn chế, yếu kém từ thực tiễn trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xác định quyết tâm chính trị mới và giải pháp để giữ đà phát triển năm 2023 và cả giai đoạn 2020-2025, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS và PAPI.
Nhấn mạnh con người là nhân tố quan trọng, “Cán bộ là gốc của mọi công việc” “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, qua các phân tích tại hội nghị sẽ là cơ hội để mỗi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh suy nghĩ sâu sắc hơn, thể hiện tính gương mẫu cao hơn trong mỗi việc làm, suy nghĩ của mình, nhất là bằng sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, “nhiệt huyết và truyền lửa” nói đi đôi với làm, theo tinh thần 5 thật: “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp thật sự hài lòng” và 6 dám “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách”; theo phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên” để luôn đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực bền bỉ để vươn tới bằng tầm nhìn văn hóa, lòng tin chiến lược, trách nhiệm công vụ, đạo đức liêm chính, động lực nội sinh để để kiến tạo, nuôi dưỡng, nâng cao niềm tin xã hội.
Phải tiếp tục có cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, kịp thời thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân.
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; dày công chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Giữ vững sự đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; giữ vững thương hiệu, hình ảnh Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thành công nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, vững mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Qua hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ cảm ơn sự đồng hành, sự chia sẻ hỗ trợ và sự đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về tiến trình cải cách, đổi mới của tỉnh. Đó là động lực để Quảng Ninh tiếp tục tiến lên phía trước, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực bền bỉ để hướng đến mục tiêu người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, doanh nghiệp phát triển, đất nước phát triển và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trở thành địa phương kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên tinh thần định hướng, gợi ý từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã dành thời gian để phân tích, đánh giá và nhận định những cơ hội, thách thức cũng như những giải pháp để tiếp tục kế thừa và phát huy thành quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cấp sở, ngành, địa phương, cải thiện bền vững ở giai đoạn tiếp theo.
Theo các chuyên gia, dù Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI, xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “Rất tốt”, tuy nhiên, so với năm 2021, chỉ số giảm 0,07 điểm, một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần và các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu còn chưa thực sự nhuần nhuyễn và thường xuyên.
Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 72,95 lên 73,98 điểm, tăng 1,03 điểm so với năm 2022. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị đã thẳng thắn phân tích, đưa ra một số gợi ý, tham góp để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện bền vững các chỉ số thành phần, nâng cao chỉ số PCI.
Đối với chỉ số DDCI 2022, các đại biểu cho rằng các chỉ số thành phần có điểm số tích cực của khối địa phương như: Tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng; Chi phí thời gian; Tiếp cận, minh bạch thông tin và chuyển đổi số và Hỗ trợ doanh nghiệp và của khối sở, ngành như: Thiết chế pháp lý, Tiếp cận, minh bạch thông tin và chuyển đổi số.
Nhưng vẫn còn có những dư địa mà cân nhắc bổ sung trong các năm tiếp theo để đáp ứng tốt hơn nữa kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, như việc tăng cao tỷ lệ doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến, thiết kế bảng hỏi phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia khảo sát, hay mở rộng phạm vi đánh giá...
Phát biểu kết luận và giao nhiệm vụ, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành và tham mưu, phối hợp triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt để xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững; thúc đẩy liên kết vùng; thu hút đầu tư có chọn lọc, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.
Xây dựng và phát triển chính quyền số; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư, kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin; đổi mới, phát huy hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp phù hợp với xu hướng chuyển đối số toàn diện.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện hạn chế, khuyết điểm, sớm ngăn chặn, phòng ngừa hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong đánh giá triển khai PCI, DDCI; tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã để nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng... phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kịp thời tháo gỡ.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ công bố kết quả DDCI 2022; lễ cam kết của các cơ quan đầu mối trong triển khai cải thiện bền vững PCI tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 30 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong cải thiện các chỉ số thành phần PCI Quảng Ninh năm 2022, giữ vững chỉ số PCI trong 6 năm liên tiếp; tặng Bằng khen và trao Kỷ niệm chương cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong DDCI 2022.
Theo baoquangninh.com.vn