Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2023
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh và đất nước. Đồng thời, bày tỏ trân trọng cảm ơn sự đồng hành của người dân, gắn kết chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, vượt khó, đồng hành cùng tỉnh trong thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Đồng chí nhấn mạnh: Trong khó khăn nhiều hơn thuận lợi, tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ được đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 7 năm liền, với quy mô kinh tế là cực tăng trưởng. Đứng số 1 ở cả 4 chỉ số tăng trưởng gồm PCI, PAR-Index, SIPAS, PAPI...
Có thể thấy, trong 3 năm dưới tác động của đại dịch Covid-19, tỉnh đã kiên cường vượt khó, với những cách làm chủ động, sáng tạo, giữ được địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái “bình thường mới” và triển khai có hiệu quả chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19” để giữ ổn định, phục hồi KT-XH.
Tỉnh cũng đã tổ chức một cách có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… giữ vững nhịp độ phát triển của địa phương được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến làm việc với tỉnh vào tháng 4/2022 đánh giá là đi đầu trong cải cách, đổi mới của Vùng đồng bằng sông Hồng, gặt hái được những kết quả thành công.
Năm 2023 trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, đồng chí mong muốn doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, tận dụng cơ hội thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thể hiện truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của các thế hệ công nhân Vùng mỏ. Đây chính là nguồn lực nội sinh rất giá trị, có ý nghĩa cổ vũ sự vượt khó, thi đua, phát huy nội lực, năng lực sáng tạo.
Từ niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân ở các chỉ số cạnh tranh, đồng chí mong muốn, Quảng Ninh phải là địa phương đi đầu, tập trung cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh; kiến tạo niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, ít rủi ro, an toàn đầu tư; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tổng thể; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng nhu cầu của quy mô nền kinh tế; thực hiện chủ trương gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với giảm chênh lệch vùng miền; tiếp tục phát triển tỉnh Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế…
Song song với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, có hiệu quả với tài nguyên đất đai theo tinh thần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững; thiết lập cơ chế lắng nghe, kịp thời xử lý vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực thi chính sách pháp luật…
Báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, UBND tỉnh nêu rõ, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để triển khai nhiệm vụ năm 2023. Qua đó, tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Điều này tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Cùng với việc tháo gỡ và giải quyết khó khăn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang đảm bảo duy trì ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu, sản xuất và phân phối điện; đẩy nhanh tiến độ GPMB, giải quyết thủ tục pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ đất, vật liệu san lấp để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Qua đó doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện Quảng Ninh có 10.756 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã và 32.951 hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước; tỷ lệ vốn trên doanh nghiệp đạt 17 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 5,5 tỷ đồng so với năm 2015 cho thấy năng lực của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể và đã phát triển theo hướng bền vững.
Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch. Qua đó, quý I/2023, tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,06%. Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp đứng số 1 về chỉ số PCI từ năm 2017-2022, dẫn đầu các chỉ số PAR-Index, SIPAS, PAPI.
Với kết quả này, một lần nữa cho thấy sự nỗ lực, cũng như tin tưởng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào những chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp quan trọng để đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và luôn đặt người dân, cộng đồng doanh nghiệp là trọng tâm phát triển.
Tại hội nghị, trên cơ sở thẳng thắn và tinh thần xây dựng, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã tham gia ý kiến, thảo luận, trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đã có 13 ý kiến từ doanh nghiệp liên quan đến việc điều chỉnh một số quy hoạch liên quan đến hạ tầng vận tải; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác GPMB, triển khai các dự án đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo PCCC tại các doanh nghiệp; đề nghị đầu tư năng lượng thay thế là điện mặt trời, gió, tái sử dụng nước thải tại các KCN… được các sở, ngành liên quan giải đáp, làm rõ và đã nhận được sự đồng tình cao.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đồng thời đề nghị các ngành, đơn vị liên quan áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, du khách. Quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong quá trình giải quyết các nội dung kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp là nhằm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết. Các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số. Nắm chắc tình hình, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp, từng dự án để phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó cùng góp phần vào phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá rất cao tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trao đổi, góp ý, có trách nhiệm của các doanh nhân, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đồng thời chia sẻ, tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khẳng định sự đồng hành của tỉnh Quảng Ninh cùng các doanh nghiệp, đồng chí nhấn mạnh: Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt, tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ phát triển KT-XH và chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, với tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, tích cực đổi mới, sáng tạo… tập trung tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp thiết thực.
Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, cung cấp các dịch vụ công có chất lượng cao... Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức để tìm cách tháo gỡ.
Đặc biệt cần củng cố niềm tin từ tỉnh đến cơ sở, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới; đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện, coi vướng mắc của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị để tìm cách khắc phục, tháo gỡ; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế theo phương châm nội lực là căn bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy “đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội”.
Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao; Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”...
Đồng chí mong muốn và nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành của tỉnh sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành chia sẻ cùng doanh nghiệp cũng là vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.