Bộ mặt giàu đẹp của thành phố duy nhất giáp Trung Quốc cả trên bộ và trên biển
Móng Cái là thành phố có hơn 78 km đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Thành phố có diện tích 518 km2 và dân số 109.000 người (số liệu năm 2019).
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi diễn ra các hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá. Trong năm 2022, dù phía Trung Quốc tạm ngừng thông quan trong thời điểm dịch bệnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố vẫn đạt 3,5 tỷ USD.
Và trong quý 1 năm 2023, khi hoạt động xuất nhập khẩu chính thức được khôi phục thì đã có 351.000 tấn hàng và 189.000 người được thông quan, tăng 211% so với cùng kỳ năm 2022. Trong ảnh là cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 được đi vào hoạt động từ năm 2020.
Tính đến cuối năm 2022, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 110 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 224 triệu USD và 94 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Trong ảnh là khu vực đại lộ Hoà Bình, nơi có trung tâm thương mại và tổ hợp nhà ở liền kề của Vingroup.
Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông Móng Cái đã nhận được sự đầu tư lớn. Tiêu biểu nhất là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2022. Kết hợp với các tuyến cao tốc đã có trước đó, thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hà Nội hoặc ngược lại chỉ còn 3 giờ. Điều này càng tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hoá, phát triển du lịch của Móng Cái được “cất cánh". Trong ảnh là điểm cuối cùng của tuyến cao tốc Hà Nội - Móng Cái.
Thành phố Móng Cái có bãi biển Trà Cổ, đây là nơi đặt nét bút đầu tiên của bản đồ hình chữ S. Bãi biển dài 17 km đã góp phần giúp Móng Cái thu hút 1,1 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022.
Tại mũi Sa Vĩ, mũi đất ở cực đông bắc Việt Nam có cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ. Cụm công trình chính được xây dựng với 8 ngọn dương vút thẳng lên trời xanh, chiều cao 27m, được đúc từ bê tông và được mạ một lớp kẽm trên bề mặt. Đây là “Mô hình đầu tư công – quản trị tư” đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được hoàn thành vào năm 2013.
Không chỉ tận dụng tài nguyên du lịch sẵn có, Móng Cái còn phát huy các lễ hội truyền thống, lễ hội du lịch mùa hè, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, xây dựng phố đi bộ Trần Phú…
Trong năm 2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế ước đạt 18.500 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước 4.860 tỷ đồng. Con số này tương đương quận trung tâm Hà Nội như Hoàng Mai, Tây Hồ. Trong ảnh là trung tâm thành phố Móng Cái ở 2 bờ sông Ka Long.
Thành phố Móng Cái hiện là đô thị loại 2. Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt thì Móng Cái sẽ sát nhập với huyện Hải Hà để trở thành “siêu thành phố" có diện tích lên tới 1.200 km2. Với diện tích này, Móng Cái - Hải Hà sẽ vượt qua Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh rộng nhất Việt Nam.
Theo https://markettimes.vn