4 địa điểm lặn ở Việt Nam được báo nước ngoài gợi ý

Các vùng biển ở Việt Nam được ca ngợi sở hữu cảnh quan đẹp và đa dạng sinh học biển, là điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích bộ môn lặn có bình khí (scuba diving).

Cộng đồng lặn ở Việt Nam được đánh giá thân thiện và nhiệt tình, tập trung đông đảo thợ lặn từ khắp nơi trên thế giới. Những người điều khiển lặn và hướng dẫn lặn đều có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, đảm bảo an toàn và giúp nâng cao trải nghiệm lặn toàn diện cho du khách.

Trang Traveldudes giới thiệu 4 vùng biển ở Việt Nam phù hợp để lặn biển bình khí. Các địa điểm này sở hữu nhiều trung tâm lặn và khu nghỉ dưỡng cung cấp dịch vụ lặn biển ở mọi cấp độ.

Nha Trang, Khánh Hòa

Lặn biển có bình khí ở khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phạm Huy Trung.

Thời điểm tốt nhất để lặn biển Nha Trang là từ tháng 2 đến tháng 10, thời tiết ấm áp và biển lặng. Lúc này, nhiệt độ nước dao động 26-30 độ C và có tầm nhìn rõ.

Đáy biển ở Nha Trang sở hữu rạn san hô màu sắc, nhiều loại cá như cá hề, cá thần tiên, cá bướm, đàn cá nhồng, hay cá hồng. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp cá đồi mồi lướt trên mặt nước. Vùng biển Nam Trung Bộ có hai địa điểm lặn đẹp gồm vùng biển hòn Mun, khu bảo tồn biển hòn Mun và đảo Cá Voi (hòn Ông).

Khu bảo tồn biển Hòn Mun được thành lập năm 2001, có diện tích khoảng 160 km2, bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh 9 đảo: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc.

Du khách đến đây có thể trải nghiệm lặn biển, đi tàu đáy kính, nhảy dù... Du khách được yêu cầu không mang nước uống đóng chai nhựa, túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần để bảo vệ hệ sinh thái biển.

Tại hòn Mun, du khách có thể lặn đến Madonna Rock nằm ở độ sâu tối đa khoảng 16 m, có vách đá cao và một số hang đá hẹp.

Khu bảo tồn sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng với cá nóc, cá mập rạn san hô. Lặn sâu vào "thiên đường dưới nước này" có thể bắt gặp cá đuối gai độc, những rạn san hô cấu trúc phức tạp và rùa.

Du khách muốn lặn biển kết hợp nghỉ dưỡng có thể ghé hòn Ông. Hòn đảo hoang sơ này nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh, cách Nha Trang khoảng 100 km. Vào mùa sinh sản của sứa và sinh vật phù du từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều cá voi tập trung về đây kiếm ăn và săn mồi gần bờ. Du khách may mắn có thể gặp được cá voi trên đảo.

Phú Quốc, Kiên Giang

Hệ sinh thái biển ở Phú Quốc. Ảnh: Lan Hương

Thời điểm lặn biển đẹp nhất ở Phú Quốc là từ tháng 11 đến 5. Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ nước dao động 26–29 độ C.

Phú Quốc là nơi sinh sống của nhiều loài cá nhiệt đới như cá bướm, cá vẹt và cá thần tiên. Ngoài ra còn có cá ngựa, cá mao tiên, cá đuối làm nên khung cảnh sống động dưới nước.

Du khách yêu thích hoạt động lặn bình khí có thể đến hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi.

Hòn Đồi Mồi nằm ở phía Tây đảo Phú Quốc, thuộc địa phận xã Gành Dầu. Di chuyển bằng tàu từ phường Dương Đông, Phú Quốc đến hòn Đồi Mồi mất hai tiếng. Lặn biển tại đây, du khách như "lạc vào xứ thần tiên dưới nước", bắt gặp rùa biển, cá đuối và rạn san hô nhiều màu.

Hòn Móng Tay nằm về phía Nam đảo, thuộc huyện Kiên Lương. Di chuyển từ cảng An Thới ra hòn Móng Tay bằng tàu mất khoảng một tiếng, đi cano hết 30 phút. Đặc trưng của điểm lặn biển này là những hang động, vách đá dưới nước, cung cấp môi trường sống cho các loài sinh vật biển.

Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu

Cột san hô khổng lồ ở Côn Đảo. Ảnh: Ngô Trần Hải An

Quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ví như "viên ngọc ẩn" ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Thời điểm tốt nhất để đến Côn Đảo lặn biển là từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Lúc này, nhiệt độ nước dao động 27-30 độ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khám phá dưới nước.

Du khách có thể thực hiện chuyến lặn biển với bình khí tại hòn Bảy Cạnh khi đến Côn Đảo. Hòn Bảy Cạnh gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng doi cát ở giữa gọi là bãi cát Lớn. Toàn bộ đảo được che phủ bởi rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo với 882 loài thực vật và gần 150 loài động vật.

Hòn Tài cách tàu du lịch Côn Đảo 5,3 km và cách Mũi Cá Mập khoảng 1 km, được đánh giá là nơi lặn biển lý tưởng. Tài nguyên biển ở đây phong phú với các rạn san hô, cá trai tai tượng, rùa biển. Hòn Tài còn là nơi sinh sản của hàng trăm cá thể rùa biển. Từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, hàng nghìn lượt rùa con được trở về với đại dương.

Cù Lao Chàm, Quảng Nam

Bãi biển ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Phong Vinh.

Hòn đảo này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, cách trung tâm thành phố Hội An 18 km, tổng diện tích khoảng 15,5 km2. Thời điểm thích hợp để lặn biển tại Cù Lao Chàm là từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ nước biển khoảng 26-29 độ C. Lặn biển tại đây, du khách có thể bắt gặp rùa biển, cá ngựa, cá ếch và không thể thiếu những rạn san hô.

Hòn Dài, bãi Bắc và hòn Tai là những địa điểm thích hợp cho hoạt động lặn biển bằng bình khí. Hòn Dài là một trong những đảo lớn nhất bao phủ và che chắn cho toàn đảo Cù Lao Chàm. Ngồi trên ca nô di chuyển từ đất liền ra đảo, du khách có thể ngắm toàn cảnh đảo Dài. Sinh vật biển đặc trưng ở đây là đồi mồi và hải sâm.

Bãi Bắc hay bãi Bấc, tọa lạc tại trên đỉnh đảo chính của hòn Lao, là bãi biển nơi vắng vẻ, thích hợp để nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động lặn. Không khó để bắt gặp những đàn cá hồng hay cá bướm ở khu vực này.

Hòn Tai nằm gần hòn Dài, là cửa ngõ chính để đi vào đảo. Điểm lặn này có đặc trưng là những khối đá dưới đại dương cùng hệ thống sinh vật biển đa dạng như bạch tuộc và mực nang.

Theo vnexpress.net